Bén “duyên” với nhiếp ảnh
“Khi được phân công phụ trách công tác tuyên truyền của Công ty Truyền tải điện 2, tôi chưa từng một lần cầm máy ảnh, viết tin bài. Nhưng bắt tay vào tìm hiểu và học hỏi, tôi say mê “nghiệp cầm máy” lúc nào không hay. Nghề chụp ảnh đến với tôi như một sự tình cờ, như cái duyên trời cho, không hẹn mà gặp” – Anh Quang Thắng tâm sự.
Tháng 7/1992, anh bắt đầu vào ngành Điện, làm việc tại Đội Truyền tải điện Đà Nẵng - Sở Truyền tải điện 1 (nay là Công ty Truyền tải điện 2). Đây là thời gian anh được làm việc trực tiếp và thấu hiểu công việc của một người “lính đường dây”. Trong những ngày trời nắng như đổ lửa, hay những đêm mưa trút xuống vội vã, bất ngờ, người lính truyền tải điện vẫn tiến hành công việc một cách thầm lặng và hầu như họ đã quá quen với sự “khắc nghiệt” và “đỏng đảnh” của thời tiết. Từ thực tế đó, anh Thắng cảm nhận được những giá trị chân thực, gần gũi, tình đồng nghiệp của những người thợ đường dây.
Cuối năm 2000, anh được Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 điều động về Văn phòng Công ty phụ trách công tác truyên truyền. Trong thời gian này, anh đã đề xuất lãnh đạo Công ty ra Bản tin nội bộ với mong muốn duy nhất là chuyển tải đến bạn đọc những khó khăn, gian khổ của lính đường dây. Để góp phần khắc họa những nét đẹp của thợ đường dây, anh quyết định học cách “cầm máy”. Quả thực, chuyển tải hình ảnh những lính đường dây và những công trình điện vốn khô khan, toàn sắt và thép cứng, trở thành những công trình mang tính nghệ thuật là một thử thách không nhỏ với Quang Thắng, nhưng anh đã dành nhiều công sức và sự đam mê, thổi hồn vào những bức ảnh khô khan ấy.
Để có được những bức ảnh sống động về ngành Điện, anh Quang Thắng không ngại ra dây, ra sứ với anh em công nhân - Ảnh: NVCC
|
Ngày đó, máy ảnh kỹ thuật số còn rất hiếm và đắt tiền, chủ yếu chụp bằng máy cơ, sử dụng phim. Được cấp chiếc máy ảnh cũ đầu tiên, anh nâng niu như báu vật và bắt đầu tập chụp ảnh theo kiểu “amatơ”. Điều quý giá nhất anh học được từ những người bạn là “đạo đức nghề nghiệp” của người chụp ảnh báo chí. Đó là tính trung thực, tôn trọng sự thật. Trước những bóng dáng áo xanh của “lính truyền tải” vắt vẻo trên những đường dây tưởng như bất tận, hay trước những cột điện vươn lên đua với trời xanh,… anh bấm máy. Chỉ là một khoảnh khắc, nhưng khoảnh khắc đó phải thật, phải hội đủ 3 yếu tố “Chân - Thiện - Mỹ”.
Để có những khoảnh khắc đẹp…
Phải là người am hiểu nghề, yêu nghề lắm mới phát hiện ra được những nét đẹp nên thơ của những đường dây mang ánh sáng cho cuộc sống của những người dân vùng núi cao hay biển đảo xa xôi. Bức ảnh có tên “Trên đỉnh Hải Vân” của tác giả Quang Thắng là một trong số những bức ảnh đẹp về đường dây. Vẫn là cột điện, đường dây, những chuỗi sứ, màu áo của người thợ trên nền rừng núi bao la, nhưng qua đôi mắt và bàn tay nghệ thuật của Quang Thắng, bức ảnh đã lột tả được sức mạnh của người thợ điện trong lao động, quyết chinh phục thiên nhiên, dựng lên những công trình điện, mang ánh sáng đến bản làng Việt Nam. Bức ảnh lồng ghép được cảnh thiên nhiên bao la với dáng vóc người thợ điện thật đẹp đến nao lòng!
Tác phẩm "Trên đỉnh Hải Vân" đạt Giải nhất cuộc thi Trên những cung đường truyền tải điện do Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia tổ chức năm 2013 - Ảnh: NQT
|
Nhiều lần anh còn đánh cược cả mạng sống của mình để “chộp” những khoảnh khắc để đời. Anh chia sẻ: “Không giống như những cảnh vật khác, cảnh về ngành Điện hết sức khô khan, nhìn đâu cũng thấy cột kèo, sứ cách điện, dây dẫn, nếu không có sự chọn lọc, những thanh ngang, thanh dọc ấy rất dễ làm bố cục ảnh bị rối, không biết đâu là trọng tâm, là tiêu điểm. Nhiều lúc, để ghi lại được những khoảnh khắc đẹp, chính tôi cũng đã leo lên cột 220 kV – 500 kV, cùng ra dây, ra sứ với anh em công nhân, mặc dù biết là nguy hiểm”. Anh Nguyễn Văn Xuân - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 3 sau một lần thấy Quang Thắng trèo lên cột điện chụp ảnh đã vỗ vai anh và nói: “Thằng em yêu nghề và dũng cảm. "Bỏ nghề" lâu rồi mà vẫn leo trèo giỏi thế?”
Với Quang Thắng, niềm đam mê nghệ thuật trong anh không bao giờ cạn. Điều thôi thúc anh tiếp tục lên đường, đi tìm vẻ đẹp bình dị và chân thật trong mỗi con người làm điện, trong mỗi công trình điện là để xã hội hiểu hơn, thông cảm hơn với những khó khăn về những người đang ngày đêm lao động quên mình, mang ánh sáng đến mọi miền Tổ quốc.
Anh Nguyễn Quang Thắng:
- Sinh năm 1968 tại Tuyên Quang - Chuyên viên văn phòng, phụ trách công tác tuyên truyền, Công ty Truyền tải điện 2.
- Giải Nhì nội dung ảnh tại cuộc thi “Nét văn hóa người thợ điện” do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức năm 2012.
- Giải nhất cuộc thi ảnh “Trên những cung đường Truyền tải điện” do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức năm 2013.
- Giải ba nội dung ảnh tại cuộc thi “Vẻ đẹp Năng lượng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức năm 2014.
|