"Viết báo cũng không khó lắm đâu"

21/6 là Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam - Ngày cả xã hội tôn vinh những người làm báo dù ở bất cứ lĩnh vực, vai trò nào. Không hiểu sao, dù không phải là ngày của mình nhưng trong lòng những người viết không chuyên như chúng tôi lại dâng lên cảm xúc khó tả.

Từ nhỏ, tôi đã thích viết bài cho báo Thiếu Niên Tiền Phong hay Mực tím. Có lẽ vì vậy mà ước mơ làm phóng viên đã trỗi dậy trong tôi. Nhưng đến khi làm hồ sơ thi vào đại học, mẹ không đồng tình: Học báo chí ra xin việc sẽ thế nào? Liệu ra trường tôi có xin được việc không? Hay tôi có đủ tự tin để chen chân ở các thành phố lớn? Lời mẹ nói cũng đúng. Thực tế, nhiều anh chị tốt nghiệp báo chí ở quê tôi không sống được bằng nghề của mình là bằng chứng sát thực nhất.

Tôi từ bỏ ước mơ của mình để bước vào một lĩnh khác. Đôi khi cảm xúc và đam mê trỗi dậy, tôi lại viết những cảm xúc của mình vào nhật ký hay blog như cất giữ giấc mơ thời thơ trẻ. Vì không được trau dồi câu chữ, không được đào tạo bài bản khiến tôi không thể tự tin gửi bài viết của mình cộng tác với các báo.

Nhưng thật may mắn, cơ duyên đến với tôi khi được vào ngành Điện. Đọc những tờ báo, trang web mới biết ngành mình luôn khuyến khích cán bộ công nhân viên (CBCNV) viết bài. Từ bản tin Công đoàn, bản tin của Tổng công ty hay cả website công ty tôi đang làm việc đều có đầy đủ chuyên mục tin tức, sự kiện của ngành, đơn vị hay các hoạt động đoàn thể. Kể cả chuyên mục tản văn, nơi cán bộ công nhân thể hiện các cảm nhận của mình về cuộc sống, quê hương đất nước hay những vấn đề xã hội.

Một câu hỏi quanh quẩn trong đầu: Tôi có thể thực hiện lại ước mơ từ xa xưa của mình là viết báo? Để trả lời câu hỏi đó, bắt đầu từ website của Công ty, tôi “làm gan” gửi bài. Cũng dễ hiểu những bài viết lần đầu không tránh khỏi nhiều thiếu sót sai lầm cơ bản về cách viết, câu chữ cũng như cách thể hiện nên nhiều bài tôi gửi không được đăng. Khi ấy tôi mới ngộ ra rằng chỉ ước mơ thôi, chưa đủ. Tôi phải rèn luyện và cần học tập thêm nhiều.

Những bước đi chập chững đầu tiên của tôi dần được Ban biên tập (BBT) các website mà tôi gửi tin bài cộng tác khích lệ. Những thiếu sót của tôi cũng dần được khắc phục qua nhiều bài viết được đăng tải. Từ lúc nào, trang web của Công ty đã trở thành cái nôi rèn luyện tay viết cho tôi.

Tác giả bài viết, chị Hoàng Hồng Nhung, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc - Ảnh tác giả cung cấp

Thành công đã thật sự mỉm cười khi tôi lần đầu tiên tham dự và giành giải Nhất cuộc thi viết Nét đẹp Người thợ điện của Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức. Hôm nhận giải tôi đã khóc, không chỉ vì niềm vui đạt được mà còn là vượt qua chính mình, thực hiện được ước mơ ngày nào.

Tiền nhuận bút từ các báo cũng đủ để cho tôi mua được một chiếc máy ảnh để săn tin viết bài. Cũng từ những điều căn bản đó, tôi đã có thể trở thành một phóng viên nghiệp dư của ngành khi có thể vừa làm công việc chuyên môn của mình vừa có thể làm báo, làm truyền thông. Tôi cũng không viết theo những lối mòn cũ mà khai thác một góc nhìn mới về người thợ điện, về đời sống của những con người trực tiếp sản xuất điện.

Viết bài cho Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng có rất nhiều kỷ niệm thú vị. Tôi còn nhớ lần đầu tiên nhận được phản hồi của BBT nhấn mạnh: Khuyến khích những bài viết về đời sống của CBCNV. Hôm đó tôi đem thắc mắc này hỏi từng thành viên trong đơn vị, nên trình bày trong bài viết những gì về đời sống của CBCNV? Không ngờ vấn đề này được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt, mỗi người góp một ý, nhắn nhủ như "nhớ viết chi tiết này về anh này, nhớ công việc của chị kia nhé"…Tự nhiên một ý nghĩ loé trong đầu, sao mình không viết bài về trạm của mình, về chính công việc anh em trong đơn vị mình đang làm nhỉ. 

Tập hợp lại ý kiến của các thành viên, bài viết “Trạm tôi” ra đời. Nó được gửi đi trong sự hồi hộp của cả Trạm. Sau đó bài viết đó được đăng trên website của Công ty rồi Công đoàn. Cũng nhờ bài viết đó, tôi nhận được điện thoại của Tạp chí Điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị làm cộng tác viên.

Bài viết của tôi cũng như một sợi dây vô hình gắn kết anh em trong Trạm, mọi người gần lại nhau hơn, thành một đại gia đình lớn. Và cũng từ thành công bài viết đó, tôi hiểu không chỉ đưa tin về các vấn đề kỹ thuật mà còn tự tin “săm soi” các hoạt động khác của Trạm, của Chi nhánh để viết bài.

Qua thời gian viết bài, công tác, tôi càng cảm nhận rõ, thật sự, để làm công tác truyền thông không phải dễ, nhất là đối với "người ngoại đạo" như chúng tôi. Từ sau mỗi bài viết, tôi lại hồi hộp xem bài báo của mình có bị phản ánh, sai sót gì không?  Rồi có những bài viết của Chi nhánh khác với cùng nội dung được đăng trên website, tôi lại đọc, suy ngẫm rồi tự nhủ: Bài người ta viết hay thế, mình viết thế này không được đăng là đúng rồi. Hay như, tôi thấy rằng, đằng sau những bước tiến mới của anh em chúng tôi - những cộng tác viên báo chí, truyền thông là những  hy sinh thầm lặng của các anh chị em biên tập viên làm việc ở các ấn phẩm ngành Điện. Những người đã tạo điều kiện tốt nhất, chỉnh sửa từng câu, nắn từng chữ, từng dấu chấm, phẩy đầy nhiệt tình, đầy trách nhiệm để những tin bài còn thiếu sót của chúng tôi trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Nhân ngày 21/6 - ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin dành trọn lời cảm ơn đến lãnh đạo, các anh chị trong ban BBT của các ấn phẩm ngành Điện đã tạo điều kiện và đưa chúng tôi đến với cái “duyên” của người làm công tác truyền thông này. Dù vẫn còn nhiều điều phải học tập và hoàn thiện nhưng chúng tôi đã có những trải nghiệm mới thật thú vị cũng như tích luỹ được thêm nhiều về kiến thức viết báo cho mình.


  • 20/06/2015 09:00
  • Hoàng Hồng Nhung
  • 1940


Gửi nhận xét