Tác giả bài viết, chị Trần Thị Diệu Huyền, công tác tại Công ty Điện lực Lâm Đồng - Ảnh tác giả cung cấp
|
Bài báo đầu tiên của tôi viết về cô con gái bé nhỏ. Lúc cháu mới 3 tuổi nhưng đã biết nói: “Mẹ ơi, mẹ tắt điện!” Câu nói và hành động của cháu là ra khỏi phòng lúc nào cũng bắt mẹ tắt điện. Tiếp theo là các bài viết về tiết kiệm điện, cùng các tin, bài về gương người tốt, việc tốt…
Khó khăn lớn nhất đối với tôi là tôi chưa hề được đào tạo về viết báo, về chụp ảnh. Tiếp đến là viết về ngành Điện cần có kiến thức chuyên ngành. Nhờ sự quan tâm, động viên của lãnh đạo cũng như anh chị em đồng nghiệp, tôi đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Tôi rất vui khi lần đầu bài viết của tôi được đăng lên trang website Công ty Điện lực Lâm Đồng. Cảm giác lâng lâng khó tả, nhưng đó là những cảm xúc thật dễ chịu.
Sau khởi đầu tốt đẹp ấy, bài, ảnh của tôi được đăng khá đều đặn, không chỉ trên website Công ty Điện lực Lâm Đồng, mà còn trên website Tổng công ty Điện lực miền Nam, website Công đoàn EVN... Mỗi bài viết của tôi được đăng, hôm đó tôi thấy mình thật hạnh phúc và niềm vui lan tỏa trong tôi như một đứa trẻ.
Năm 2013, Tổng công ty Điện lực miền Nam phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi viết về Tiết kiệm điện khu vực miền Nam. Người dự thi là những nhà báo chuyên và không chuyên cùng tất cả CBCNV ngành điện. Tôi rất lo ngại bởi mình là người viết không chuyên thì làm sao “đọ” được với các nhà báo chuyên nghiệp được đào tạo bài bản cùng rất nhiều kinh nghiệm?
Tuy vậy, niềm đam mê đã lấn át tất cả. Buổi sáng tôi dậy thật sớm, phóng xuống làng hoa Trại Mát cách thành phố Đà Lạt 10 km. Tôi tìm hiểu và phỏng vấn anh Nguyễn Công Hiếu, người tiên phong trong phong trào thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Bố mất sớm, hai mẹ con anh Hiếu phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh, từ đi làm thuê cho các nhà trồng hoa, rồi vào làm cho Công ty hoa Đà Lạt Hasfarm.
Từ những trải nghiệm, anh Hiếu mạnh dạn vay vốn đầu tư, đưa mô hình trồng hoa tiết kiệm điện, nước vào ứng dụng ở vườn nhà mình. Đó là phương pháp trồng hoa dùng đèn có chóa, giảm điện năng phát tán chung quanh mà tập trung vào hoa, giúp hoa cúc phát triển hiệu quả. Đồng thời anh còn áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt giúp tiết kiệm điện và nước.
Anh Hiếu là người thanh niên biết vượt khó, vươn lên làm giàu trên đất quê hương. Đây là chất liệu để tôi hình thành bài dự thi “Giảm điện năng, tăng hiệu quả ở vương quốc hoa”. Bài viết này của tôi vinh dự đạt giải khuyến khích cuộc thi. Đó là động lực to lớn để tôi có thêm niềm tin, không ngừng phấn đấu vươn lên.
Công tác truyền thông đối với mọi ngành, đặc biệt đối với ngành Điện – vốn có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội - có vai trò rất quan trọng. Làm được nhưng cũng cần phải nói được, để xã hội hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn, công việc đặc thù của Ngành. Đó là điểm mạnh và tiêu chí của công tác truyền thông.
Tôi luôn có suy nghĩ: Phải thật sự yêu nghề, phải có niềm đam mê và tâm huyết, phải không ngừng học hỏi để vươn lên mới đáp ứng được yêu cầu rất cao của công tác truyền thông. Cái đạt được chỉ mới là bước khởi đầu, cái cần vươn tới mới là đích để tôi không ngừng phấn đấu.
Tôi càng khâm phục và tự hào bởi trong ngành Điện, không ít CBCNV mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo bài bản về viết báo nhưng với niềm đam mê và không ngừng học hỏi, họ đã phấn đấu không mệt mỏi, trở thành những tuyên truyền viên xuất sắc của ngành, tên tuổi của họ được các hội nghề nghiệp vinh danh. Đó thật sự là những tấm gương sáng để tôi phấn đấu noi theo.
Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi càng tâm đắc với câu nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ đối với người viết báo: "Phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Thông qua các bài viết, bức ảnh, tôi tin rằng muốn mỗi CBCNV ngành Điện đều có thể trở thành tuyên truyền viên tích cực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: “EVN thắp sáng niềm tin ! ”