Cầu dây đu

Tôi đã đi rừng nhiều lần, nhưng hôm ấy thật bất ngờ. Lúc đi dòng suối vẫn cạn, lúc về suối nước đã đầy, chắn ngang trước mặt. Nước suối réo ào ào, khi vướng vào vách đá tung lên thành những đụn nước trắng như tuyết.

Lòng suối không rộng, nhưng nhìn dòng chảy biết là suối rất sâu. Tôi phải ngồi chờ nước rút, không dám mạo hiểm lội qua. Ngồi lẻ loi ở rừng mới thấy sao vắng lặng quá, chẳng bù với phố xá, người đông đến mức cứ như chồng chất lên nhau.

Chợt phía xa xa có mấy bóng người tiến về phía suối. Nhìn tốp người này, khó mà biết họ là ai. Không phải dân bản, bởi không thấy sắc chàm quen thuộc. Không phải cánh địa chất, bởi không thấy họ đeo ba lô nhiều túi, nhiều quai. Không phải thợ sơn tràng, bởi không thấy cưa thấy đục. Khi họ đến gần, tôi mới biết, họ là những người đi tìm đồng đội. Trên lưng họ, người nào cũng địu một, hai bộ hài cốt được gói cẩn thận bằng vải ni lông. Có lẽ họ đưa đồng đội đến cửa rừng tập kết, chờ xe chuyển về xuôi. Họ chào tôi rồi mải miết kiếm tìm cái gì đó. Tôi cứ nghĩ họ phải chờ nước rút như tôi. Nhưng không, họ đang tìm cách vượt qua suối. Bất ngờ họ nhìn thấy những sợi dây rừng, từ trên cây sau sau bên bờ suối, thả tay xuống đu đưa. Một người thử bám vào sợi dây để thử độ bền, rồi hội ý với nhau và quyết định vượt suối bằng những sợi dây rừng.

Họ thắp hương vái trời vái đất, vái lên lưng nhau, ở đấy đồng đội của họ đang nằm yên nghỉ. Người đầu tiên, có lẽ là tổ trưởng, hai tay bám vào sợi dây, chạy lấy đà, chân đạp vào đá núi đu qua. Cánh rừng thì mung lung, dòng suối thì réo gào và người lính thì chao đi cùng với những sợi dây rừng. Nhớ một thời, phải đi qua nhưng cây cầu nham nhở vết đạn bom. Nhưng dẫu  sao đấy vẫn là cầu, chứ không phải dây đu. Tôi đã từng lội suối trèo non, đã từng đi qua mạo hiểm, nhưng khi nhìn thấy những người lính chao đi trong xao xác lá rừng, trong tiếng réo gào của suối thì tôi cũng khỏi lo ngại. Khi độ văng của sợi dây đã lên tới hạn, người lính buông tay ra. Điều đầu tiên là họ đỡ lấy đồng đội đang nằm trên lưng, rồi loạng choạng rơi sang bên kia suối. Chỉ một động tác đỡ tay thôi, đủ làm cho tôi hiểu như thế nào là tình đồng đội. Chiến tranh đã qua đi xa lắc, nhưng tình nghĩa ấy chẳng hề vơi.

Mai đây, có thể chẳng bao giờ tôi gặp một "chiếc cầu" nào như thế nữa. Nhưng hình ảnh người lính hai tay đỡ đồng đội trên lưng, còn thân mình thì rơi loạng choạng đã trở thành ký ức trong tôi. Cầu sắt, cầu lim,…cầu nào rồi cũng phôi pha, chỉ có cầu tình, cầu nghĩa là còn lại mãi với thời gian.


  • 19/12/2011 02:41
  • Bùi Nguyên Ngọc
  • 2029


Gửi nhận xét