Vui buồn chuyện phong bì mừng cưới

Đã thành lệ, đi đám cưới thì phải có quà mừng. Thôi thì đành… cứ phong bì cho tiện!

Nhận thiếp mời mừng cưới, cảm xúc của tôi thật... khó tả!

Tôi có cô bạn sắp tổ chức đám cưới ở một khách sạn 5 sao tọa lạc trên một con phố lớn tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Thực ra nhà cô ấy cũng chưa được xếp vào hàng “Đại gia”, nhưng vì chiều cô con gái “rượu”  nên bố mẹ đành “tặc lưỡi”.

Thay vì mời đầy đủ họ hàng, bạn bè, hàng xóm, láng giềng như những đám cưới bình thường khác, hơn 1 tháng nay gia đình cô ấy đang phải lao tâm khổ tứ vì bản danh sách mời thực khách được “sàng lọc” rất kỹ, nhưng vẫn cứ lo ngay ngáy, bởi khách càng đông, gia chủ càng “lỗ”. Riêng với bản thân tôi – người được mời, cảm xúc cũng thật khó diễn tả. Vui khi bạn đã “đầu băm” lấy được chồng, nhưng cũng băn khoăn vì không biết phải “đi phong bì” bao nhiêu?!. Nghe nói 1 suất ăn ở đó, gia chủ phải trả ngót nghét cũng đến triệu bạc…

1001 nguyên nhân xuất hiện phong bì cưới

Có lẽ, không ai biết chính xác thời điểm chiếc phong bì xuất hiện trong đám cưới là vào khoảng thời gian nào. Chỉ biết rằng, thời bao cấp, đám cưới được tổ chức nhẹ nhàng và đơn giản. Quà cưới không có phong bì mà rất đa dạng. Bố mẹ, họ hàng trong gia đình có thể tặng cô dâu chú rể nhẫn vàng, vòng vàng, bạn bè thì chủ yếu tặng đồ dùng sinh hoạt như, phích nước, chậu thau, chăn màn… có khi chỉ một tút thuốc lá hoặc cân chè Thái cũng xong.

Thực ra, cũng có bất cập khi nhiều đồ dùng đôi vợ chồng trẻ đã có sẵn rồi, hoặc khi đồng loạt quà tặng đều là phích nước hay có tới 6 - 7 cái màn. Kể ra cũng lãng phí…

Chuyển từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường cũng kéo theo nhiều sự đổi thay trong tư duy và hành động cụ thể. Bây giờ mọi thứ đều quy ra “thóc”. Trong đám cưới người ta rất ít khi tặng đồ dùng mà thay vào đó là tặng phong bì để cô dâu chú rể tự mua sắm những vật dụng phù hợp hơn với nhu cầu cuộc sống sau này. Đồng thời, “dùng” phong bì cũng tiện và không làm mất thời gian của người được mời khi phải đi mua quà mà không biết người được tặng có ưng không. Với ý nghĩa đó, chiếc phong bì mừng đám cưới cũng mang giá trị nhất định của nó.

Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, đôi khi chiếc phong bì cũng bị biến tướng, dùng sai mục đích và bị bóp méo ý nghĩa. Người ta “kinh doanh” đám cưới, mời mọc tràn lan để thu phong bì. Có nhiều người “té ngửa” khi ông bạn vàng hơn chục năm không gặp, đột ngột gọi điện mời đám cưới. Đặc biệt, đối với những sếp lớn thì đám cưới con quả là một ngày hội lớn, ngày để nhân viên thể hiện “tấm lòng” của mình với sếp… Ngoài ra, một số phong bì trong ngày cưới còn dựa theo quan hệ hay ý đồ nhờ vả nào đó, hoặc để thay lời cảm ơn…

“Cơm bụi” giá cao…

Trở lại với hoàn cảnh của tôi, với mức lương vài triệu đồng 1 tháng mà “vấp” phải mấy cái đám cưới như thế này thì không biết cả tháng sống bằng gì. Mang tâm sự đó than thở với một người bạn khác thì cũng nhận được tiếng thở dài: “Tháng này tôi nhận được 5 cái thiệp mời cưới rồi, đang bạc cả mặt ra đây, con thì đang ốm, bao nhiêu thứ tiền dồn dập…”. Khổ nỗi, trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay thì tiền mừng phong bì cũng tăng tỷ lệ thuận, trong khi thu nhập thì “dậm chân tại chỗ”.

Nhưng phải nói rằng các dịch vụ cho đám cưới hiện nay hết sức chuyên nghiệp, đến mức các lễ cưới được tổ chức ngày một giống nhau, dù là nhà hàng nhỏ hay khách sạn lớn thì cũng có đủ cổng bóng, bánh gato, tháp rượu, MC… chỉ khác nhau ở độ sang trọng. Người đến dự cưới cho phong bì vào hòm, được mời ngồi vào mâm, chờ gia chủ tuyên bố lý do, nhạc nổi lên, vỗ tay, cụng rượu chúc mừng, đánh chén rồi ra về. Người ta thường ví đi ăn đám cưới bây giờ là ăn cơm bụi giá cao, phong bì là vé vào cửa.

Có nhiều người khá bức xúc với kiểu đám cưới này và thầm nghĩ bụng khi mình cưới (hay tổ chức đám cưới cho con) sẽ làm khác đi, nhưng một phần không biết phải làm như thế nào khi “mọi người đều thế”, một phần sợ dị nghị, điều ong tiếng ve, cộng thêm tâm lý “trả nợ miệng”, nên bao nhiêu năm nay kiểu đám cưới “cừu Dolly” này vẫn tồn tại.
Đã thành lệ, đi đám cưới thì phải có quà mừng. Thôi thì đành… cứ phong bì cho tiện!

Nhân đây, tôi cũng xin góp một câu chuyện vui về cái phong bì ngày cưới:
Sau tiệc cưới, hai vợ chồng rất mừng vì nhận được một phong bì… hơi dày.
Người vợ xung phong “khui” phong bì thì thấy một thiệp cưới khác, kèm theo bức thư viết tay có nội dung “Phiếu tặng cưới 10 triệu đồng (tượng trưng). Mong hai bạn thông cảm, tụi mình cũng đang chuẩn bị cưới. Đến tiệc cưới bọn mình, bạn gửi lại phiếu này là tụi mình… cũng vui. Chúc hai bạn hạnh phúc”.


  • 14/12/2011 09:45
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3615


Gửi nhận xét