Câu chuyện về sự ra đời của “chiếc thùng kỳ lạ” này cũng vô cùng thú vị. Phụ trách bộ phận của chúng tôi là người Nhật nên vô cùng tôn trọng việc đúng giờ. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đi làm, tôi đã đến văn phòng sớm 10 phút, thế mà khi bước vào, đã thấy sếp đang ngồi cần mẫn làm việc. Sau này tôi mới biết, sếp có thói quen đến văn phòng trước 20 phút, và đó cũng là cách họ làm gương cho nhân viên.
Ảnh minh họa.
|
Lúc trước, sếp tôi không quá khắt khe về giờ giấc đi làm, đi họp của nhân viên bởi sếp muốn đề cao tinh thần tự giác của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một buổi sáng khi sếp gọi xuống bộ phận của chúng tôi để tìm người xử lý gấp một công việc quan trọng thì người đã đi công tác, người đang tiếp khách hàng và một số cá nhân khác còn... “chưa thấy đâu”. Sau “sự cố” này, sếp triệu tập gấp một cuộc họp và đưa ra “tối hậu thư”: “Từ ngày mai tôi không muốn việc đi làm muộn tái diễn nữa. Trễ 10 phút đối với các anh chị có thể không thành vấn đề, nhưng đối với tôi nói riêng và mọi người trong công ty nói chung thì đó là vấn đề lớn về thái độ, tác phong. Tôi mong các anh chị sắp xếp thời gian hợp lý để đúng 8h phải sẵn sàng ngồi vào bàn làm việc. Ai đi muộn sẽ bị phạt tiền theo quy định dán tại cửa phòng họp”.
Sáng hôm sau, chúng tôi có một cuộc họp, một vài bạn lại đến muộn, định xin lỗi rối rít như mọi lần vì kẹt xe. Tuy nhiên, sếp tôi đã dán một bảng thông báo ngoài cửa: “Ai đến trễ, vui lòng nộp phạt vào thùng và đợi đến giờ giải lao đi vào”. Sau 1 - 2 tháng, sếp lại yêu cầu ngoài cửa phòng dán bảng với nội dung “nặng đô” hơn: “Ai đến trễ quá 30 phút sẽ không được tính công buổi làm việc hôm ấy và xin vui lòng đi về”. Nhờ vào “chiếc thùng thu tiền trễ giờ” mà chỉ sau hai tháng, kỷ luật làm việc của công ty tôi nề nếp hơn hẳn so với trước đây. Khi sếp tôi nói 8h họp hoặc 8h có mặt tại văn phòng là chắc chắn trước 8h mọi thứ đã sẵn sàng. Công ty tôi từ đó cũng nổi tiếng với đối tác khi xây dựng được thói quen chuyên nghiệp về giờ giấc, nếu ai đó hứa: “Tôi sẽ ăn tối với anh lúc 6h” là chắc chắn họ sẽ đến lúc 6h kém 15.
Tới tận bây giờ, không chỉ có lãnh đạo cấp trên mà các đoàn khách đến làm việc với Công ty cũng thường “nghía” chiếc thùng và bàn luận vui quanh chuyện đi họp – đi làm đúng giờ. Chiếc thùng hiện diện ở cửa phòng họp như một lời nhắc “dí dỏm" đối với cán bộ nhân viên “Đến sớm 5 phút là đúng giờ, đúng giờ là trễ, trễ thì không thể chấp nhận được”.