Chuyển đổi kinh doanh mùa dịch: Gọi tên Amazon

Với những gì đang làm, Amazon sẽ tái định nghĩa các khái niệm về quy tắc quản lý chuỗi cung ứng.

Thương mại điện tử đang phất lên như diều gặp gió sau cú tác động bất thình lình nhưng “hợp lý” của dịch COVID-19. Nó dường như là một định mệnh sắp sẵn để khẳng định tính tất yếu của kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc!

Ngay lúc này những đại diện tân tiến nhất của xu hướng kinh tế này như Amazon đã mạnh tay đầu tư để tiếp tục nắm giữ ngôi vị nhà bán hàng trực tuyến lớn nhất, bằng những công nghệ chưa bao giờ xuất hiện trước đây.

Lâu nay, ngành logistics bị ám ảnh bởi áp lực cắt giảm chi phí và việc sử dụng máy bay không người lái (dron) để giao hàng có vẻ ngông cuồng. Tuy nhiên, Amazon đã chứng minh, chỉ cần rút ngắn thời gian giao hàng sẽ giảm thiểu tỷ lệ “boom hàng” qua đó tăng doanh số, doanh thu.

Công nghệ đang mang lại một thay đổi cơ bản và chuỗi cung ứng 4.0 đòi hỏi một cái nhìn rất khác nhau - tập trung vào việc tăng doanh thu thông qua một sự hiểu biết tốt hơn về hành vi khách hàng.

Với tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn tự động, Amazon hướng tới triết lý “đơn hàng hoàn hảo” như Dave Blanchard đã vạch ra trong cuốn sách của ông. Nói ngắn ngọn, khái niệm này dựa trên tỷ lệ phần trăm các bước không có lỗi trong suốt vòng đời của một đơn hàng - đúng sản phẩm, đúng điều kiện, giao hàng đúng hạn và không bị hư hỏng, v.v …

Vậy, làm sao để Amazon có thể “đoán biết” được sở thích, thị hiếu khách hàng, làm sao để tự động hóa khâu đóng gói, giao hàng; dựa vào đâu để máy móc có thể ra quyết định hàng loạt thay con người với các phép tính truyền thống?

Bí quyết chính là dữ liệu lớn. Chuỗi cung ứng phía cung của các nhà bán lẻ (retailer hoặc e-tailer) là bộ sưu tập rộng lớn của các thương hiệu, nhà sản xuất, nhà sản xuất hợp đồng/đóng gói, các công ty logistics và nhiều nhà cung cấp nữa.

Amazon hiện nay được biết đến với vai trò là một hệ sinh thái công nghệ nhiều hơn là một sàn giao dịch thương mại điện tử thông thường. Amazon đang làm cho thương mại điện tử chuyển sang một thời đại mới bằng khái niệm “chuỗi cung ứng 4.0”.

Nhưng đó không phải là một nhánh mới, hay nói cách khác không phải là “phát minh” riêng gì của gã khổng lồ Mỹ - nó hoàn toàn nằm trong dòng chảy chung của kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc.

Trong dòng chảy này, bán lẻ truyền thống không hề diệt vong như nhiều người nghĩ! Hai cách thức thương mại này có xu hướng đan xen nhau. Walmart, nhà bán lẻ truyền thống vẫn đầu tư sản xuất rất mạnh tại Bắc Mỹ, kết hợp với facebook, Lyft thử nghiệm và mở rộng các lựa chọn cho đặt hàng và phân phối hàng tạp hóa dựa trên thiết bị di động.

Tiến sĩ Yossi Sheffi, Giám đốc Trung tâm Vận tải và Logistics của MIT dự đoán rằng: Walmart sẽ giành chiến thắng trong cuộc chơi giao hàng nhanh (cùng ngày) và đánh bại Amazon. Lý do cốt yếu là: người khổng lồ bán lẻ truyền thống này có hàng ngàn “nhà kho nhỏ - mà họ gọi là các cửa hàng”.

Dĩ nhiên, để bán lẽ truyền thống không chết bất đắc kỳ tử, chỉ có duy nhất một con đường là dựa vào công nghệ và chỉ có công nghệ mới là lực lượng tốt nhất giúp mọi quốc gia, doanh nghiệp bắt kịp xu thế mới.

Đến bao giờ những công nghệ này mới xuất hiện tại Việt Nam với tư cách là xu hướng kinh doanh mới? Đó là một câu hỏi khó và cũng như những lần trước, kẻ đi sau luôn thất thế!

Amazon từng bán hàng theo cách mà chưa ai nghĩ đến, bây giờ họ tiếp tục làm điều mà ít ai làm được. Liệu phần còn lại cam chịu phận kinh doanh “hớt váng”?

Link gốc


  • 19/03/2021 09:03
  • Nguồn: https://petrotimes.vn/
  • 865