Trong bài viết đăng trên trang The Conversation của Australia, nhà phân tích Katharine Kemp - Giảng viên Trường Đại học New South Wales, nhận định đây là một trong những vụ kiện độc quyền quan trọng nhất ở Mỹ kể từ năm 1998, khi DoJ khởi kiện Tập đoàn công nghệ Microsoft.
Theo tác giả, có thể với các thủ tục và vào thời điểm hiện tại, vụ kiện lần này được xem là "dính líu" tới động cơ chính trị. Trong khi đó, giới chính trị đánh giá rằng cho dù Tòa án Mỹ ra phán quyết chống lại "gã khổng lồ" công nghệ, thì việc phân mảnh các mảng kinh doanh của Google cũng sẽ rất kịch tính.
Google và sức mạnh độc quyền
Sức mạnh kinh tế của Google không phải là một điều bí mật. Các nhà quản lý trên khắp thế giới, bao gồm cả ở châu Âu (EU), đều đang tiến hành điều tra các hành vi và "phẩm hạnh" của Google dựa trên các quy định của luật cạnh tranh, người tiêu dùng và luật bảo vệ quyền riêng tư.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr khẳng định DoJ tập trung vào hành vi kiểm soát của Google đối với mạng Internet và hàng triệu người sử dụng, các nhà quảng cáo, doanh nghiệp nhỏ và các công ty lớn được cho là bị điều khiển bởi một "gã khổng lồ" độc quyền bất hợp pháp.
Đặc biệt, DoJ tuyên bố Google đang độc quyền bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm trực tuyến (các quảng cáo xuất hiện cùng với kết quả tìm kiếm). Theo DoJ, thị phần của Google tại Mỹ xấp xỉ 88% trên thị trường các dịch vụ tìm kiếm chung và 70% trên thị trường tìm kiếm quảng cáo tìm kiếm trực tuyến.
Tuy nhiên, việc chiếm giữ vị trí "thống lĩnh" không có nghĩa là vi phạm pháp luật. Một công ty được phép nắm giữ vị trí "tối cao" hay thậm chí độc quyền hoàn toàn, miễn là không đạt được chúng bằng các phương thức trái pháp luật.
Khiếu nại chính của DoJ cho rằng Google đã ký kết một số "thỏa thuận loại trừ", nhằm duy trì sức mạnh độc tôn bằng cách cản trợ sự cạnh tranh từ các đối thủ (và các đối thủ tiềm năng). Thỏa thuận độc quyền là những thỏa thuận có mục đích hạn chế khả năng của ít nhất một bên giao dịch với "những người chơi khác".
DoJ khiếu nại Google đã chi hàng tỷ USD mỗi năm để đạt các thỏa thuận dài hạn với hãng công nghệ Apple để cho phép "gã khổng lồ" này trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari của hãng này. Ngoài ra, các thỏa thuận độc quyền của Google cũng cấm việc cài đặt trước những dịch vụ tìm kiếm cạnh tranh từ một số nhà sản xuất và phân phối thiết bị di động cụ thể.
Các thỏa thuận, thậm chí, buộc những nhà sản xuất và phân phối thiết bị di động phải cài đặt trước công cụ tìm kiếm Google ở "vị trí đắc địa" trên màn hình thiết bị di động và làm cho chúng không thể xóa bỏ, bất kể người sử dụng có ưa thích hay không. Google đã sử dụng lợi nhuận độc quyền để mua quyền đối xử ưu đãi cho công cụ tìm kiếm của mình trên các thiết bị, trình duyệt web và các điểm truy cập tìm kiếm khác.
DoJ tuyên bố những thỏa thuận của Google đã tạo ra "chu kỳ độc quyền liên tục và tự củng cố" trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm trực tuyến (khiến cho thị trường phụ thuộc vào sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến).
Trong một tuyên bố đăng tải trên trang mạng riêng, Google đã phản bác rằng hành động của tòa án là một "thiếu sót sâu sắc". Tập đoàn này lý giải rằng mọi người không bị bắt buộc phải sử dụng Google, họ dùng là vì họ muốn thế và nếu không ưa thích, người sử dụng hoàn toàn có quyền tự do chuyển đổi sang các công cụ tìm kiếm khác.
Về mặt kỹ thuật, những phản bác này là hoàn toàn chính xác, nhưng có một sự thật không thể chối cãi là thỏa thuận của Google về cài đặt trước, cài đặt mặc định và quyền đối xử ưu đãi đã đem lại cho "gã khổng lồ" công nghệ các lợi thế đáng kể so với những đối thủ cạnh tranh khác.
Điều gì sẽ xảy ra nếu DoJ thắng kiện?
Việc sử dụng Google là hoàn toàn "miễn phí". Tập đoàn này đã cung cấp các dịch vụ được đánh giá cao trên toàn thế giới - và không có chi phí tài chính trực tiếp đánh vào người tiêu dùng. Nhưng điều đó không có nghĩa là các dịch vụ "miễn phí" thì vô hại.
Theo DoJ, bằng cách hạn chế cạnh tranh, Google đã gây tổn hại cho khả năng tìm kiếm của người sử dụng, một phần "thông qua việc giảm chất lượng tìm kiếm (bao gồm cả các khía cạnh như quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu và sử dụng dữ liệu người sử dụng)". Đây là một nhận thức quan trọng cho thấy giá cả không phải là tất cả vấn đề.
Logic đằng sau tuyên bố này của DoJ có nghĩa là các công cụ tìm kiếm khác có hồ sơ theo dõi tốt hơn về quyền riêng tư, chẳng hạn như phần mềm DuckDuckGo, có lẽ đã thành công hơn hiện tại nếu không bị các hành vi độc quyền của Google điều khiển.
Hoặc lý giải theo một cách khác, Google có thể thực sự phải cạnh tranh mạnh mẽ về quyền riêng tư, thay vì bị cáo buộc áp đặt các điều khoản làm suy yếu quyền riêng tư của khách hàng.
Nếu Google bị phán quyết là làm trái quy định cấm độc quyền theo Đạo luật Sherman của Mỹ, "gã khổng lồ" công nghệ có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt và yêu cầu bồi thường thiệt hại lớn chưa từng có. Tuy nhiên, có lẽ điều đáng lo ngại nhất của Google là viễn cảnh DoJ sẽ chia tách các mảng kinh doanh khác nhau của tập đoàn.
Google hiện đang sở hữu một loạt các dịch vụ rất thành công, bao gồm Google tìm kiếm, Google Chrome, hệ điều hành Android và nhiều dịch vụ công nghệ quảng cáo khác nhau. Vị thế của Google và quyền truy cập vào dữ liệu trong một doanh nghiệp được cho là tạo ra lợi thế cho tập đoàn trong các mảng kinh doanh khác.
11 vị Tổng chưởng lý từ các tiểu bang khác nhau của nước Mỹ đã cùng tham gia thủ tục tố tụng và có thể mỗi vị sẽ tìm kiếm các phương thức riêng chống lại Google. Tuy nhiên, hành động này sẽ không sớm tạo ra tác động lớn. Các luật sư của Google phán đoán vụ kiện sẽ chỉ được đưa ra trước Tòa án Quận Columbia của Mỹ trong vòng một năm tới.