F&B vẫn tiếp tục mở rộng
Chuỗi cà phê nổi tiếng The Coffee House (TCH) vẫn sẽ tiếp tục mở rộng trong năm nay và TCH vẫn nhìn thấy cơ hội ở thị trường, ông Mai Hoàng Phương, CEO của chuỗi cà phê TCH cho biết trong một buổi tọa đàm Chiến lược mở đường tăng trưởng do Endeavor Việt Nam tổ chức.
Kế hoạch mở rộng của TCH vẫn được tiếp tục trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần hai quay trở lại và còn phức tạp hơn trước đây.
Trong lần trước, TCH phải đóng 120 trong tổng số 150 cửa hàng, nhưng ngay sau đó, khi hết giãn cách xã hội số cửa hàng này đã được mở lại và vận hành như bình thường. Còn sóng Covid-19 lần thứ hai này, TCH đóng cửa khoảng 12 cửa hàng ở Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột, với mức độ ảnh hưởng trực tiếp về doanh thu thấp hơn.
Tương tự, một chuỗi F&B khác là Golden Gate đặt kế hoạch trong năm nay tiếp tục mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc, nhắm mục tiêu có thêm 61 nhà hàng mới, trong năm 2020, công ty tiếp tục mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc, nhắm mục tiêu có thêm 61 nhà hàng mới (bao gồm mở mới 79 nhà hàng, chuyển đổi thương hiệu 14 nhà hàng và đóng cửa 18 nhà hàng không hiệu quả).
Tại hệ thống Golden Gate, có khoảng 90% số cửa hàng mở cửa trở lại vào thời điểm cuối tháng 4 và lượng khách phục hồi nhanh chóng và doanh thu đạt khoảng 70% cao điểm của tháng 1 chỉ trong một tuần sau khi mở cửa trở lại.
Theo Golden Gate, kế hoạch này dựa trên kết quả kinh doanh thực tế trong năm tháng đầu năm, khi hệ thống phục hồi sau khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, theo biên bản họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020, doanh thu và lợi nhuận vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng âm trong năm nay, chủ yếu do thời gian đóng cửa trong ba tháng sau Tết.
Làn sóng Covid-19 lần thứ hai quay trở lại mới đây dường như khiến kế hoạch mở rộng thêm thiếu phần thuyết phục với đa phần các hoạt động F&B. Liệu chúng ta nên dừng lại, quan sát diễn biến dịch bệnh, chờ vắc-xin, hay tăng cường đầu tư trong thời điểm này? Đây là câu hỏi không dễ trả lời đối với hoạt động kinh doanh các cửa hàng ăn uống.
Theo ông Phương, Covid-19 về một mặt nào đó là sự không chắc chắn trong hiện tại, nhưng gần như lại là một phần của thị trường trong hiện tại. Do đó, chiến lược của TCH là chiến lược thích ứng, xác định các tín hiệu thị trường từ đấy điều hướng, làm sao để "không cho Covid là một cái cớ để đổ lỗi".
"Covid sẽ ở đây chứ không đi đâu, cho nên phải làm cùng với nó. Ban lãnh đạo cũng có nhiều sự đồng thuận về việc phải đầu tư với tầm nhìn tương lai, công nghệ và xu hướng trực tuyến”, ông Phương nói. Mới đây, ban lãnh đạo cũng vừa hoàn tất xây dựng kịch bản cho năm năm tiếp theo, CEO của TCH nói về tầm nhìn xa hơn.
Tâm lý tiêu dùng thay đổi
Khi nhóm lãnh đạo của TCH cho biết thị trường vẫn còn nhiều cơ hội, một trong số đó có thể tầm nhìn về “online”.
Vào hồi tháng 3, TCH khá nhanh nhạy khi lần lượt “online hóa” thực đơn của mình. Theo ông Phương, doanh số giao hàng của chuỗi phê này tăng gấp 5-6 lần so với trước đó. Bước ra khỏi tháng tư thì hệ thống nói chung phục hồi trở lại.
Nếu như trước Covid-19 doanh thu online chỉ chiếm dưới 10% thì sau Covid-19, mảng giao đồ uống chiếm tới 75%. “Đây có thể là kênh mới đi vào tương lai”, ông Phương chia sẻ
Trên thực tế, kỳ giãn cách xã hội lần đầu tiên cũng là cuộc đua trực tuyến của các thương hiệu F&B, kể cả những ông lớn vận hành nhà hàng như hệ thống của Golden Gate, sở hữu nhiều thương hiệu có tiếng như Gogi, Ashima, Kichi Kichi, Lẩu Hutong,…
Trên thực tế, với làn sóng Covid-19 lần thứ hai, doanh thu có giảm dù không nhiều như đợt một, nhưng rõ ràng là tâm lý tiêu dùng của khách hàng đã được điều chỉnh và có những thay đổi, đại diện của TCH nhìn nhận.
Trong một cuộc khảo sát mới đây vào tháng 6 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 64% số người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao đồ ăn thường xuyên hơn sau dịch Covid-19. Điều này thêm củng cố cho lý do tập trung vào công nghệ của các thương hiệu F&B, vốn đang được hỗ trợ mạnh từ mảng giao nhận đồ ăn mà nhiều ứng dụng gọi xe, hay ứng dụng sàn thương mại điện tử đang đẩy mạnh.
Theo khảo sát của Nielsen hồi tháng 7, sự lạc quan của người Việt vẫn nằm “top” thế giới, ghi nhận số người tiêu dùng lạc quan nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong quí 2 vừa qua thì người Việt chi tiêu ít hơn trước, trong đó hạng mục giải trí bên ngoài giảm 6%, ít hơn so với quí trước đó.
Theo Nielsen, sức chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm vì có ít cơ hội chi tiêu hơn trước đây. Cho đến nay, hậu quả của sự bất ổn định trong công việc đã làm gia tăng sự lo lắng về thu nhập cũng như tài chính của các hộ gia đình.
Ngay cả khi xuất hiện sự hồi phục trong những tháng gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn đang ở mức thấp và những tác động xa hơn về việc suy giảm chi tiêu sẽ ngày càng rõ ràng trong thời gian tới.
“Người tiêu dùng cũng giảm tần suất ghé thăm các cửa hàng, nhà hàng và nhiều địa điểm ngoại tuyến khác, kết hợp cùng mối quan ngại về tài chính là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế chi tiêu cho những việc như giải trí, quần áo mới và ăn uống bên ngoài”, bà Louise Hawley, đại diện Nielsen giải thích.
Link gốc