Công nhân đường dây cần chủ động phòng tránh rắn lục đuôi đỏ

Trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện với mật độ dày bất thường và liên tục tấn công khiến nhiều người phải nhập viện, gây hoang mang trong nhân dân. Vừa qua, nhóm công nhân của Đội Truyền tải điện Đồng Hới (Truyền tải điện Quảng Bình – PTC2) đã phát hiện ra rắn lục đuôi đỏ khi được phân công nhiệm vụ phát quang hành lang tuyến đường dây 220 kV Đồng Hới - Đông Hà.

Toàn cảnh khóa tập huấn nghiệp vụ y tế cho công nhân vận hành đường dây của Công ty Truyền tải điện 2 và hình ảnh về rắn lục đuôi đỏ được phát hiện khi phát quang hành lang tuyến đường dây 220 kV Đồng Hới - Đông Hà. 

Khi cả nhóm đang tiến hành phát quang tại vị trí 061 bỗng nghe anh Trần Quốc Sỹ kêu có rắn lục. Cả nhóm ngưng tay, quay lại thấy con rắn lục đuôi đỏ trườn chậm ngay dưới chân và anh Sỹ đã nhanh tay trở cán đập chết con rắn. Anh Sỹ bảo con rắn nằm lơ lửng trên cây mà không biết, khi chặt cây, nó mới rơi xuống. Con rắn to bằng ngón chân cái, dài khoảng 1 mét...

Anh Lê Thanh Hiền - công nhân Đội Truyền tải điện Đồng Hới chia sẻ: "Anh em chúng tôi gặp rắn lục đuôi đỏ nhiều lắm, nhất là ở vùng huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ngay tại vị trí 1137 đường dây 500 kV mạch 1, chúng tôi gặp một ổ rắn lục khoảng 5 - 7 con nhỏ bằng ngón tay út. Trong quá trình làm việc anh em bỏ áo ấm để bên góc cột điện, mấy con rắn nhỏ trườn vào mà không biết, cũng may trước khi mặc anh em đã giũ áo nên nó rớt xuống đất. Ở vị trí 1252 đường dây 500 kV mạch 1, các vị trí đường dây 220 kV... cũng gặp rất nhiều".

Rắn lục đuôi đỏ (Trimeresurus albolabris) là một trong các loài rắn có nọc độc chỉ xếp sau loài rắn hổ mang chúa.

Đặc biệt, rắn lục đuôi đỏ không giống một số loài rắn khác, không đẻ trứng mà sinh sản ra rắn con, mỗi lứa đẻ từ 7 - 16 con.

Trong mùa sinh sản, rắn cái rất hung dữ và có nọc độc nguy hiểm.

Do đặc thù đường dây truyền tải điện 220 – 500 kV của Công ty Truyền tải điện 2 nói riêng và của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói chung đều nằm trên vùng rừng núi, vì thế công nhân quản lý vận hành đường dây thường xuyên gặp thú dữ, rắn, rết, ong…

Ông Nguyễn Hà Đông – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết: Hệ thống đường dây do Công ty quản lý hầu hết nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện cấp cứu cho công nhân trong khi làm nhiệm vụ là rất khó khăn. Chính vì vậy hàng năm, Công ty đều phối với bệnh viện Quân y 17 tổ chức khóa nghiệp vụ y tế sơ cấp cứu, vệ sinh viên cho công nhân vận hành đường dây bao gồm các nội dung cấp cứu người khi bị rắn cắn, côn trùng cắn, điện giật, bỏng, ngạt nước, cố định xương khi bị gãy…; cung cấp các kiến thức cơ bản để anh em chủ động phát hiện và phòng tránh.

Để đảm bảm an toàn cho bản thân trong quá trình làm nhiệm vụ, công nhân vận hành đường dây cần kiểm tra khu vực làm việc xem có rắn, ong, côn trùng không, đồng thời cần thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, mang theo dụng cụ y tế trong quá trình công tác.

Theo bác sỹ Phạm Tuấn Kiệt – Phó giám đốc Nhà nghỉ Công ty Truyền tải điện 2: Khi bị rắn lục cắn, tuyệt đối không trích, rạch tại vết cắn, vì có thể làm tăng chảy máu, mất máu do lúc này dưới tác động của nọc độc, nạn nhân bị rối loạn đông máu dẫn đến dễ chảy máu, khó cầm. Nếu bị rắn lục cắn ở tay, cần tháo ngay vòng nhẫn, các đồ trang sức để tránh cho các mạch máu bị nghẽn dẫn đến hoại tử do tay sưng nề bởi nọc độc. Cách sơ cứu ban đầu đối với người bị rắn lục đuôi đỏ cắn là rửa sạch vết thương và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

 

 


  • 12/12/2014 01:49
  • Bài và ảnh: Quang Thắng
  • 1234


Gửi nhận xét