Để được tuyển dụng sau kỳ thực tập

Thực tập là cơ hội để bạn có thể tiếp cận với môi trường làm việc thực tế. Nếu được giữ lại công ty làm việc sau thời gian thực tập, chứng tỏ bạn đã thể hiện được năng lực của mình với bạn bè, đồng nghiệp.

Tuy nhiên làm sao để được tuyển dụng chính thức sau kỳ thực tập là vấn đề được nhiều sinh viên đặt ra tại chương trình “Hội nhập với doanh nghiệp”. 

Học giỏi chưa hẳn được tuyển dụng 

Để tránh lãng phí thời gian, bạn nên chủ động đề nghị người hướng dẫn (Ảnh minh họa)

Là sinh viên có học lực giỏi của Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế, Thanh Thảo được giới thiệu vào thực tập tại một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng tiêu dùng. Với mong muốn mang kiến thức học tập ứng dụng ngay trên công việc thực tế, nhưng suốt tuần đầu đi làm Thảo chỉ được chị phụ trách cho đi “rót nước, pha trà”. 

Nghĩ đây không phải là công việc của mình, Thảo chỉ ngồi đọc báo chờ hết giờ ra về. Sau gần 2 tháng thực tập, Thảo nhận được giấy nhận xét kết quả thực tập không đạt. Trong khi đó, bạn bè Thảo nhiều người được tuyển chính thức vào công ty sau thời gian thực tập, mặc dù họ có học lực không bằng cô. 

Trường hợp Thảo không phải là hiếm. Học lực giỏi không là yếu tố giúp ứng viên trụ lại công ty sau thời gian thực tập. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty L&A, nêu thực tế: Bằng cấp chỉ là chiếc vé giúp bạn bước vào công ty chứ không chứng tỏ được khả năng làm việc của bạn. Đã có nhiều sinh viên đến công ty thực tập, khi được giao việc lại không thực hiện những việc được giao. Chẳng những thế, các bạn không nêu rõ lý do không hoàn thành công việc. 

Tình nguyện làm những việc trái chuyên môn 

“Làm thế nào để được đồng nghiệp hỗ trợ? Cách để chứng tỏ năng lực của mình trong quá trình thực tập” là những câu hỏi được các bạn trẻ quan tâm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Minh, kể: Ngay sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ngành cơ khí, tôi được tuyển vào làm tại một công ty với vai trò công nhân kỹ thuật. Nhiều người cho rằng tại sao tôi lại làm vị trí ấy, vì có khá nhiều đơn vị sẵn sàng tuyển tôi vào làm kỹ sư. Tôi không nói và chấp nhận làm việc. 

Tại đây, tôi làm bất cứ việc gì được giao, nhờ vậy tôi đã học hỏi được nhiều điều, nhất là cách vận hành máy, cách tiện mới... Đặc biệt, khi làm công nhân tôi càng hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng của người lao động. Và giờ đây khi trở thành người quản lý, tôi mới thấy những tháng ngày làm công nhân thật cần thiết cho mình. 

Bà Trần Uyên Phương (Giám đốc dự án Công ty Tân Hiệp Phát) đưa ra kinh nghiệm: Để tránh lãng phí thời gian, bạn nên chủ động đề nghị người hướng dẫn giao việc để học tập được nhiều điều. Bên cạnh đó, bạn có thể tình nguyện làm thêm những việc khác để học hỏi kinh nghiệm. Trường hợp thấy lúng túng ở điểm nào, tốt nhất bạn nên yêu cầu những người đi trước hay cấp trên của mình giúp đỡ để tránh ảnh hưởng đến công việc chung. 

Còn theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ: Biết quan sát cách làm việc của nhân viên khác, biết đặt câu hỏi khi gặp khó khăn trong công việc sẽ giúp bạn làm việc đúng quy trình, quy định của công ty. 

Những điều doanh nghiệp cần đối với sinh viên thực tập:
 
- Kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp và đối tác. 

- Nhiệt tình, năng nổ trong công việc. 

- Chú trọng đến công việc. 

- Khả năng tiếp thu nhanh. 

- Khả năng phân tích, giải quyết công việc. 

- Khả năng thích nghi với môi trường làm việc của doanh nghiệp.
 
- Tinh thần ham học hỏi, trách nhiệm cao. 

- Biết cách thể hiện và trao đổi các yêu cầu, quy trình công việc. 


  • 15/03/2016 02:21
  • Nguồn bài: nld.com.vn
  • 1661


Gửi nhận xét