Doanh nhân và văn hóa kinh doanh

Các tác giả đã phác họa chân dung “nhân vật” doanh nhân và đi sâu phân tích quá trình nhận thức và thực tế gây dựng văn hóa kinh doanh trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

 

Khác với nhiều cuốn sách và tài liệu nghiên cứu khác, ở đây, các tác giả không chỉ bàn về lý thuyết hay đưa ra những suy đoán, nhận định chung chung mà chủ yếu dựa trên việc phân tích, lý giải kết quả các cuộc điều tra xã hội học do nhóm tiến hành từ năm 2003-2006.

Trong sáu chương của cuốn sách này, các tác giả đã dành các chương đầu (I, II và III) để xác định ý nghĩa các khái niệm căn bản: thế nào là doanh nhân, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp; sau đó điểm qua các luận điểm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề này và nhìn lại lịch sử Việt Nam để tìm ra nguyên nhân, dẫn đến tư tưởng trọng nông ức thương, đồng thời xác định những yếu tố tích cực trong văn hóa kinh doanh ở các thời kỳ mở rộng giao lưu với bên ngoài, đặc biệt là thời kỳ bùng phát phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20.

Hai chương IV và V trình bày kết quả các cuộc điều tra. Đây là hai chương chứa nhiều thông tin mới, có tính phát hiện cùng với những lý giải sâu sắc.

Về chân dung doanh nhân (trong mẫu điều tra ngẫu nhiên gồm 186 người): Tuổi đời bình quân của lãnh đạo doanh nghiệp ở TPHCM là 44 tuổi (trẻ nhất: 24 tuổi, lớn nhất: 71 tuổi); có 20% là phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp; đa số có trình độ đại học; có hơn một nửa doanh nhân đến từ các địa phương ngoài TPHCM.

Đáng chú ý là đại đa số doanh nhân (đến 80%) không có truyền thống gia đình kinh doanh, kể cả ở doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân; hầu hết đều từng trải qua ít nhất một nghề hay một công việc khác trước khi làm giám đốc hay phó giám đốc một công ty; tuổi bình quân lúc bước vào kinh doanh là 32 tuổi…

Về văn hóa doanh nghiệp, các tác giả tập trung tìm hiểu sự thể hiện trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Phân tích các kết quả điều tra cho thấy hầu hết doanh nghiệp đều có chú ý thực hiện các biểu hiện có tính chất bề nổi của doanh nghiệp như logo, đồng phục…; ở tầng trung gian là xác lập các quy tắc giao dịch, ứng xử nội bộ và với các đối tác; tổ chức các hoạt động từ thiện, đóng góp cho địa phương…

Tuy nhiên ở tầng sâu (triết lý, các giá trị cơ bản) thì mới dừng lại ở dạng các châm ngôn và khẩu hiệu hành động. Nói chung, hầu hết đang ở bước đầu gây dựng văn hóa kinh doanh.

Cũng từ kết quả điều tra cho thấy các doanh nhân hiện nay có ý chí kinh doanh mạnh mẽ, nhất là ở khối tư nhân. Động lực thúc đẩy họ kinh doanh chủ yếu là bởi: Muốn làm việc phù hợp với khả năng chuyên môn (57%), muốn đóng góp một cái gì có ích cho xã hội (52,7%) hoặc muốn tạo dựng một sự nghiệp riêng (50,5%). Đối với phần đông doanh nhân, doanh nghiệp được coi như một đại gia đình.

Nhưng họ cũng cho rằng không nên ưu tiên giúp đỡ, tuyển dụng hay đề bạt người thân vào chức vụ quản lý. Bốn phẩm chất được cho là quan trọng nhất để trở thành doanh nhân lý tưởng là: Trọng chữ tín (76,3%), có ý chí (70,4%), có tài quản lý (66,7%) và có óc sáng tạo (64%). Tuy nhiên, khi được hỏi về các điều kiện để thành công trong kinh doanh hiện nay thì phần đông chọn các yếu tố: Có kinh nghiệm (68,3%), có quan hệ rộng (65,6%), có kỹ năng quản trị kinh doanh (63,4%), có đầu óc sáng tạo (56,5%).

Trong lĩnh vực quản lý, phần đông doanh nhân đều có ý thức rằng cần ủy thác quyền hạn cho cấp dưới, nhưng họ cũng đòi hỏi cao sự trung thành của nhân viên. Điểm đáng chú ý là, phần đông đều khẳng định lòng tự hào dân tộc khi cho rằng các công ty Việt Nam có khả năng sản xuất hàng hóa chất lượng như công ty nước ngoài, rằng óc sáng tạo của người Việt không kém gì người nước ngoài… Theo các tác giả, đó là những yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển văn hóa kinh doanh, tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong cạnh tranh và hội nhập.

Bên cạnh đó, các tác giả nêu lên các yếu tố cản trở trong văn hóa kinh doanh, đó là lối tư duy quản lý bao biện và tâm lý thủ cựu thể hiện ở các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình; là sự thiếu tầm nhìn chiến lược và khả năng quản trị chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; thiếu óc mạo hiểm và đặc biệt là tâm lý “chạy chọt” trong các giao dịch thương trường ở phần lớn doanh nghiệp.

Cũng qua kết quả điều tra, các tác giả đã nhận diện được bốn nhóm văn hóa quản trị doanh nghiệp được gọi là: nhóm gia trưởng, nhóm kinh nghiệm, nhóm kỹ trị và nhóm dân chủ. Kết quả nhận diện này rất hữu ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này. 

 


  • 29/08/2011 05:05
  • Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
  • 3357


Gửi nhận xét