Cảm xúc có tính lây lan, và cảm xúc tiêu cực lây lan nhanh hơn cả. Thế nên, những cá nhân thường xuyên phàn nàn, than vãn sẽ dễ khiến mọi người xung quanh phát sinh thái độ tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần cũng như năng suất làm việc của tập thể.
Theo các chuyên gia nghiên cứu tâm lý, có hai loại hình phàn nàn cơ bản là “phàn nàn công cụ” và “phàn nàn cảm xúc”. Trong đó, loại hình thứ nhất có tính xây dựng hơn, thường được dùng với mục đích giải quyết một vấn đề nào đó. Còn với loại hình thứ hai, lời than phiền được đưa ra như một hình thức để giải tỏa cảm xúc hay xả stress, và đưa ra quá nhiều lời phàn nàn kiểu này có thể làm phát sinh cảm xúc tiêu cực.
Nếu bạn đang phải đối mặt với những đồng nghiệp thuộc loại hình phàn nàn thứ hai, hãy áp dụng ngay 5 bí quyết đơn giản dưới đây:
1. Tìm hiểu nguyên nhân
Nếu phải làm việc chung với một người thường xuyên phàn nàn, hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến họ làm như vậy.
Hãy tìm hiểu xem có phải họ phàn nàn do cảm thấy cô đơn, sợ hãi, mệt mỏi hay thiếu thốn điều gì hay không? Họ có than phiền vào một khung thời gian cụ thể nào đó mỗi ngày hay không? Biết được căn nguyên của vấn đề sẽ giúp bạn triệt tiêu những lời than phiền ngay từ trong trứng nước.
Thông thường, khi sợ hãi một vấn đề gì đó, người ta sẽ đối phó với nó bằng cách than phiền; thế nên, việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và giúp họ chấm dứt nỗi sợ là một phương án hữu hiệu để ngăn chặn lời than phiền.
2. Phân tán sự chú ý
Có một điều chắc chắn là những người thường xuyên than phiền rất cần... khán giả; do đó, nếu bạn không cho họ cơ hội thể hiện, họ sẽ đi nơi khác. Để ai đó giải tỏa cảm xúc tiêu cực thông qua lời than phiền không giúp giải quyết vấn đề, mà chỉ càng củng cố cho hành động đó.
Thay đổi chủ đề nói chuyện để hướng sự chú ý của đối phương vào một vấn đề khác là một cách hay để giúp bạn thoát khỏi tình trạng này.
Và khi muốn cùng than phiền với ai đó, hãy nhớ hành động này chỉ làm tình hình tệ hơn và khiến đối phương cho rằng, bạn sẵn lòng tiếp nhận những cuộc trò chuyện như vậy.
3. Vạch ra ranh giới rõ ràng
Nếu phải làm việc gần một người lúc nào cũng “cất bài ca thán”, hãy đặt ra cho bản thân những ranh giới rõ ràng.
Đừng để bản thân bị cuốn theo một cuộc nói chuyện, mà hãy dẫn dắt nó. Hãy để đối phương hiểu rằng, bạn chỉ có đúng 30 phút thôi và cố gắng bẻ cuộc nói chuyện theo cách mà mình muốn nhiều nhất có thể.
Một trong những cách hay để giới hạn cuộc nói chuyện khi ai đó bước vào phòng của bạn là đứng dậy. Ngoài ra, một cách khác để chấm dứt tình trạng thường xuyên bị làm phiền bởi những lời phàn nàn là cho đối phương biết, kể từ giờ, bạn sẽ tiếp cận mọi chuyện liên quan đến công việc theo hướng khác.
Hãy tuyên bố với họ rằng, bạn đang quyết tâm thay đổi và sẽ tập thói quen không than phiền về bất cứ việc gì cả, vì chúng chỉ khiến bản thân xuống tinh thần mà thôi, trong khi bạn lại đang phải tập trung cho điều khác.
4. Hãy tế nhị
Nói cho ai đó biết thái độ tiêu cực của họ đang gây ảnh hưởng xấu đến công việc của bạn không hề là chuyện dễ dàng. Do đó, trước khi đề cập đến vấn đề này, hãy gợi mở trước rằng, bạn sắp sửa nói về một vấn đề nhạy cảm và hỏi xem họ có sẵn sàng lắng nghe hay không.
Đừng giấu giếm việc bản thân sắp sửa nói điều gì đó không thoải mái cho họ nghe mà hãy báo trước. Điều này sẽ giúp họ không rơi vào thế thủ, mà thay vào đó là có sự chuẩn bị tinh thần để đón nhận thông tin.
5. Kéo sếp vào cuộc
Nếu tình huống vượt quá tầm kiểm soát, và gây ảnh hưởng lớn tới năng suất làm việc của bạn, hãy cân nhắc kéo sếp của mình vào cuộc. Dẫu vậy, cần nhớ rằng, đây là một bước đi rủi ro, vì nó có thể biến bạn trở thành một người than phiền với sếp. Do đó, hãy suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng trước khi hành động.
Hãy đề cập đến việc bạn lo rằng thói quen than phiền sẽ ảnh hưởng đến văn hoá, tinh thần làm việc của công ty và bạn cũng đang gặp phải vấn đề với công việc của mình do phải giao tiếp với đồng nghiệp thường xuyên than phiền. Đồng thời, hãy đề xuất phương án giải quyết khả thi hoặc những ý tưởng có thể giúp khắc phục tình hình.