Đúng giờ: Nét đẹp văn hóa Nhật Bản

Đúng giờ là một nét văn hóa đáng trân trọng trong thời đại công nghiệp ở đất nước Mặt trời mọc. Người Nhật luôn nghiêm khắc với bản thân trong chuyện tuân thủ giờ giấc.

Không chậm giờ, dù chỉ một phút
 
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản không khác gì một đất nước thời kỳ đồ đá. Hai quả bom nguyên tử cùng hàng loạt công trình bị tàn phá đã làm cho đất nước và con người Nhật Bản kiệt quệ. Thế nhưng, chưa đầy 20 năm sau, quốc gia này đã sở hữu công nghệ tàu cao tốc hiện đại với tốc độ mà các nước lớn như Hoa Kỳ, EU cũng phải thèm muốn. 
 
Tàu cao tốc thực sự có thể đại diện cho nét văn hóa tuyệt đối tôn trọng thời gian của người Nhật. Bạn đừng “dại dột” mà trễ giờ dù chỉ một phút, thậm chí là 30 giây trong chuyến tàu từ Osaka đi Kyoto, vì bạn có thể sẽ tốn thêm 2.000 Yên (khoảng 400.000 đồng tiền Việt) mua lại vé.
 
Một nhân viên văn phòng người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, khi tham gia một khóa đào tạo đã xót đứt ruột vì phải trả hơn 2.500 Yên (hơn 500.000 đồng tiền Việt Nam) phí taxi vì lỡ chuyến xe đưa đón, chỉ vì cố mua sắm thêm vài phút. Anh ta thấm thía “vừa tốn kém, vừa xấu hổ và cũng là bài học nhớ đời”.
 
Cũng trong chuyến đi đó, toàn bộ nhân viên người nước ngoài đã phải trầm trồ thán phục khả năng đúng giờ đến từng giây, từng  phút trong các hoạt động mà người Nhật tổ chức: Giảng viên đến lớp, kết thúc bài giảng, xe buýt đưa đón… thậm chí các hành trình dài vài trăm km, bao gồm nhiều hoạt động như: hội thảo, trao đổi với chuyên gia, tham quan công ty địa phương, khu sản xuất của người bản xứ… độ sai lệch giờ đều là con số 0.

Người Nhật đúng giờ trong công việc ngay cả trong thời tiết dưới 5 độ C - Ảnh minh họa

Đúng giờ tạo ưu thế trong cạnh tranh
 
Thói quen đúng giờ đã ăn sâu vào tiềm thức, tác phong của các lớp người Nhật Bản từ già đến trẻ. Bên cạnh đó, nền công nghiệp hóa thúc đẩy hội nhập quốc tế đòi hỏi các cá nhân, tập thể phải nâng cao tính cạnh tranh. Thế giới chưa bao giờ ngủ, vậy nên đúng giờ sẽ giúp bạn chiến thắng đối thủ, ít nhất là về mặt tâm lý. Đến sớm hơn có thể sẽ khiến bạn phải mệt mỏi để chờ đợi, nhưng trễ hơn thì thật tệ hại vì cuộc chơi đã tàn, mọi giao dịch có thể đã kết thúc thông qua một cái click chuột chỉ trong một giây trước đó. Chính yêu cầu đúng giờ đi kèm với đảm bảo chất lượng công việc ở mức cạnh tranh cao nhất đã làm cho cuộc sống người Nhật trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn. Cụm từ “công nghiệp hóa” phát sinh từ chính con người: Chủ động - nhanh chóng - hiệu quả, chứ không phải quy định ghi trong hiến pháp Nhật Bản.
 
Cứ như thế, dù bất cứ nơi nào, nhà hàng, khách sạn, trường học, quán bar… người Nhật luôn cảm ơn, xin lỗi, sống có kỷ luật về giờ giấc và nhiệt tình giúp đỡ người khác. Từ đó tạo nên nét văn hóa đặc trưng trong nếp sống văn minh, hiện đại, hiệu quả mà ai cũng biết khi nói về Nhật Bản. Câu nói “đúng giờ đổi thay vận nước” cũng vì lẽ này mà gắn liền với đất nước Hoa Anh Đào.
 
Lãnh đạo phải làm gương
 
Để định hướng được cả cộng đồng đi theo cùng một quỹ đạo, ở góc độ xã hội học, vai trò của những người đi đầu là vô cùng quan trọng. Người Nhật tỏ ra thành thạo trong nghệ thuật xây dựng hình mẫu tiên phong này. Tại một công ty xây dựng ở Kyoto, dù thời tiết lạnh 2-3 độ C, nhưng tất cả các nhân viên và Ban Lãnh đạo đều có mặt đúng 8 giờ 40 phút, chuẩn bị máy chiếu, tài liệu thuyết trình dự án trong vòng năm phút để bắt đầu buổi họp đúng 8 giờ 45 phút. Đặc biệt, Lãnh đạo Công ty luôn đến trước giờ và tới từng bàn để bắt tay nhân viên kèm lời chào ngày mới tốt đẹp. Đúng giờ, chủ trì cuộc họp thông báo “Chúng ta bắt đầu, không chờ thêm thành viên nào nữa”. Thế nên nhân viên của họ luôn tự giác đến đúng giờ vì biết sẽ không có cơ hội tham gia buổi họp nếu đi trễ. 
 
Nhìn Nhật Bản sẽ hiểu, giấc mơ về một đất nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa sẽ chỉ là ảo tưởng nếu bản thân quốc gia sử dụng giờ giấc làm việc theo dạng  “dây chun”. Và nếu người lãnh đạo vẫn cứ rề rà thì cũng đừng nghĩ đến chuyện có một tập thể đúng giờ, chủ động và sẵn sàng làm việc để cải tạo vận nước. 
 
Một số quy tắc đúng giờ của người Nhật:
Nhân viên luôn được yêu cầu phải giữ đúng hẹn, tuyệt đối không được để khách chờ.
Việc đến trước giờ hẹn 5 phút được coi là văn hóa tối thiểu của người đi làm. 
Hẹn qua điện thoại trước khi đến công ty được coi như một phép lịch sự. Nếu vì lý do nào đó không thể đến công ty đúng giờ thì bạn cần thông báo trước qua điện thoại.
Đến công ty đúng giờ được coi là một nguyên tắc, thậm chí phải chạy thật nhanh cho kịp giờ làm việc.
Công ty nào không tôn trọng giờ giấc đối với khách hàng, gây trở ngại cho khách hàng sẽ đánh mất tín nhiệm và uy tín của mình. Vì vậy các công ty Nhật luôn cố gắng khắc phục tất cả các khó khăn để có thể đúng hẹn.
 


  • 06/11/2015 03:08
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3401


Gửi nhận xét