Cách nói “không” chốn công sở

Khi Beth Cronin là phụ tá ở hãng luật Trenam Kemker, cô không bao giờ nói với cộng sự rằng mình quá bận và không thể đảm trách một việc nào đó. Nhưng cô đã học được cách nói "không".

“Trước hết, tôi xây dựng cho mình một hình ảnh luôn chăm chỉ và hết lòng với công việc”, Cronin nói. “Sau đó tôi tìm hiểu rõ về công việc trong dự án, khi nào sếp cần và liệu tôi có thể làm tốt công việc trong khoảng thời gian đã định hay không. Cách trả lời tốt nhất khi được yêu cầu làm việc gì đó là không bao giờ nói "tôi quá bận"”.

Hiện nay cô đã là đồng quản lý trong nhóm giải quyết các tranh chấp thương mại của hãng, có trụ sở tại St. Petersburg và Tampa, FL.

Các công ty ngày nay đều muốn nhân viên làm nhiều việc hơn nhưng thời gian cho phép lại ngắn hơn. Từ thực tập sinh đến vị trí quản lý, mọi người đều nói "có" khi được nhờ vả vì họ muốn khẳng định mình có tinh thần cộng tác, sẵn sàng làm việc hay đơn giản là muốn chứng tỏ mình tốt bụng.

Ảnh minh họa

Nhưng nói "không" đôi khi cũng rất tốt cho sự nghiệp

“Mọi người cần thay đổi tư duy về việc đồng ý với tất cả mọi việc”, Susan Newman, tiến sĩ tâm lý xã hội học và tác giả cuốn The Book of No (Tạm dịch: Học cách nói "Không") nói. “Bằng cách nói "không", bạn có thể tập trung vào những mục tiêu của bản thân”. Nói "có" với tất cả mọi thứ sẽ hủy hoại danh tiếng và ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn. “Nguyện vọng của người đang đề nghị là bạn sẽ thực hiện công việc một cách toàn vẹn, và đúng thời gian. Nếu bạn không làm được điều đó, mọi người sẽ có ấn tượng rằng bạn không đáng tin cậy”.

Hãy suy nghĩ trước khi cam kết làm một công việc nào đó, và trước khi nói không, hãy cân nhắc đến hệ quả. Các nhân viên cấp thấp có thể chứng tỏ bản thân bằng cách chấp nhận làm nhiều việc. Còn đối với bạn, những nhân viên cao cấp hơn, nên phân biệt giữa việc mà chỉ bạn mới đủ chuyên môn với những việc người khác cũng làm được.

“Hầu hết mọi người khi muốn leo cao hơn trong sự nghiệp thường bắt đầu bằng cách nhận làm hầu hết mọi thứ nghe có vẻ liên quan đến mô tả công việc của mình”, bác sĩ tâm thần học Nanette Gartrell, tác giả của cuốn My Answer is No… If That’s Okay With You (tạm dịch: Câu trả lời của tôi là không... nếu đó là lời nhờ giúp đỡ công việc) chia sẻ. “Nhưng bạn càng thành công bao nhiêu, bạn sẽ càng bị nhờ vả nhiều hơn, và phải nói không nhiều hơn”. Nếu bạn là một nhà quản lý trung cấp và được nhờ thay mực cho máy in, bạn có quyền từ chối. Một thực tập sinh hay nhân viên cấp thấp làm điều đó thì tốt hơn.

Trước khi nói không, hãy nói ra những việc bạn đang cần làm và đề nghị sếp giúp bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên. “Bạn cần nói rằng bạn không muốn từ chối công việc, nhưng bạn đang cố trở nên thực tế”, Cronin nói. Hãy giải thích rằng bạn đang có một mâu thuẫn thật sự và đang cố gắng để giải quyết nó. Nếu sếp đề nghị bạn làm một việc trong khi bạn đang làm việc khác, hãy nói “Tôi rất muốn giúp nhưng tôi đang phải làm việc X cho đối tác Y vào thứ Ba. Tôi có bao nhiêu thời gian để làm việc này?” Hãy giải thích càng đơn giản càng tốt.

Khi nói không, hãy cố giúp người ta giải quyết vấn đề. Nếu được, hãy cho họ vài lựa chọn khác, và xem thử có cách nào giảm thiểu các việc cần làm hay không.

Hãy nói không trực tiếp với họ.

“Viết email rất dễ gây hiểu lầm”, Newman nói. “Giọng điệu của bạn không thể "đọc" qua email được”,

Bạn cũng có thể khiến lời từ chối của mình trở nên tích cực hơn bằng cách tìm xem ai đó có thể hưởng lợi từ việc làm việc đó hay không. Hãy hỏi đồng nghiệp của bạn trước, sau đó nói lại với người đang đề nghị. “Luôn luôn mang lại điều gì đó khi bạn từ chối lời đề nghị”, Gartell nói.

Cũng đừng ngại vạch ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng, đặc biệt là khi bạn làm việc trong một môi trường mà đồng nghiệp thường giao lưu sau giờ làm việc. “Lý do hợp lý nhất bạn có thể đưa ra là gia đình”, Gartrell nói. “Ngoài giờ làm việc, mọi người sẽ không thể khắt khe về điều đó”.


  • 04/08/2015 09:13
  • Theo Trí thức trẻ
  • 1104


Gửi nhận xét