Anne Kreamer – Series Entrepreneur (Là khái niệm dùng để chỉ các doanh nhân có tinh thần tìm tòi sáng tạo và liên tục thử thách với những cái mới một cách không ngừng nghỉ, họ thường thành lập những công ty mới sau khi đã làm chủ một hay nhiều doanh nghiệp trước đó) và là tác giả của quyển sách "It’s Always Personal: Navigating Emotion in the New Workplace" (tạm dịch: Cảm xúc không cấu thành tội phạm) đã chia sẻ. Tuy nhiên, biết cách cư xử phù hợp với bản thân sẽ giúp ích cho bạn trong những thời điểm đầy bối rối này và giảm thiểu những hối tiếc về sau.
1. Khóc là một trạng thái sinh học
Khi bạn sơ ý cắt đứt tay thì máu sẽ chảy, nước mắt cũng như vậy. Khóc là một hiện tượng tự nhiên, và theo đặc điểm sinh lý thì phụ nữ dễ bị hơn nam giới. “Phụ nữ có nồng độ Prolactin gấp 6 lần nam giới và hormone này là tác nhân khơi mào cho những giọt nước mắt”, Kreamer giải thích.
2. Tách mình ra khỏi tình huống khó xử
Ngay khi bạn cảm thấy “lệ đã dâng tràn” trong mắt của mình, hãy xin lỗi và bước ra khỏi phòng càng sớm càng tốt. Nói rằng, “có lẽ chúng ta vừa có chút căng thẳng” và đề nghị “anh có thể nghỉ ngơi một lúc và chúng ta sẽ quay lại thảo luận việc này vào sáng mai”, Kreamer gợi ý.
Bạn không nên tiếp tục cuộc trò chuyện cho đến khi đã hiểu rõ tâm trạng của mình cũng như xử lý những điều gây nên cảm xúc đó. Khi ở vị trí quản lý, nếu mà bạn vừa đưa ra phản hồi tiêu cực hay tin tức gây khó chịu nào đó, cũng hãy xử trí tình huống tương tự như thế.
3. Tìm hiểu chuyện đã xảy ra khi về đến nhà
Nước mắt giống như đèn hiệu sáng trên bảng điều khiển động cơ xe của bạn. Nó chỉ dẫn rằng có điều gì đó đang xảy ra và cần bạn chú ý hơn. Hãy cố gắng làm sáng tỏ vấn đề. Bạn bắt đầu khóc vì cảm thấy bị đánh giá thấp? Bạn bị choáng ngộp trong cảm giác giận dữ? Hay đơn giản là bạn đang mong đợi nghe thấy một điều gì đó hoàn toàn khác?
Để hiểu được phản ứng của mình, hãy viết nó ra, trên giấy hay máy tính đều được. “Viết là một cách để bắt đầu quá trình siêu nhận thức”, Kreamer nói. “Và nó mang tính xây dựng hơn là trút những cảm xúc thái quá lên đồng nghiệp, đối tác hoặc bạn bè của bạn”.
4. Trở lại những cuộc đối thoại trong công việc
Đừng cố gắng giả vờ như mình chưa từng khóc lóc gì cả, đây thực sự là phương án tệ nhất mà bạn có thể làm. “Bạn cần gom hết can đảm và quay trở lại gặp sếp, hoặc là ai đó đã khiến bạn rơi nước mắt”, Kreamer tư vấn. “Không nói xin lỗi, chỉ cần lặp lại rằng việc đó đã khiến bạn buồn/ thất vọng và bạn muốn thảo luận về những gì đã xảy ra”. Với văn hóa làm việc có rất nhiều đòi hỏi và áp lực suốt 24/7, điều quan trọng là đôi khi chúng ta cũng cần tạm dừng lại những cuộc trò chuyện trong vòng 24 giờ hoặc ngay sau khi các vấn đề xảy ra một lúc.
5. Tha thứ cho bản thân và tiến lên phía trước
Sếp hoặc bất cứ ai đã từng chứng kiến bạn bộc lộ cảm xúc sẽ không quá chú trọng đến câu chuyện tình cờ này, bạn cũng không nên ray rứt. Hãy chờ ít lâu, thực tế là mọi người sẽ quên hết. “Cách đây vài năm, khi toàn thể nhân viên cấp dưới của tôi đều đang có mặt trong phòng để chúc mừng một hợp đồng vừa thắng được, thì Chủ tịch HĐQT công ty đã gọi đến và xả cho tôi một trận tơi tả về việc không tăng giá cổ phiếu”, Kreamer kể lại. “Sau này, khi viết sách It’s Always Personal, tôi đã hỏi lại những người từng có mặt trong văn phòng rằng họ có nhớ tôi khóc không? Không ai nhớ cả. Điều đó thực sự để lại cho tôi bài học lớn: Mỗi người chúng ta sẽ lo lắng và ngẫm đi nghĩ lại về chính bản thân mình nhiều hơn bất kỳ một ai khác”.