Đừng tưởng trẻ con không biết gì

Ông Nhôn cầm tờ hóa đơn thanh toán tiền điện ra đến cửa thì gặp mấy ông bạn trong tổ hưu trí đi vào.

- Tháng này nhà ông bao nhiêu tiền điện? – Ông thứ 1 hỏi.

- 900.000 đồng – Ông Nhôn trả lời.

- Chi mà nhiều rứa!? – Ông thứ 2 kêu.

- Một người mà… - Ông thứ 3 nói.

- Vì tháng vừa rồi nóng quá.

- Ừ. Tháng 6, gió Lào… - Ông thứ 1 xác nhận.

- Gió Lào thì gió Lào chứ, sao nhiều tiền điện thế, có một người mà… - Ông thứ 2 phản đối.

 …

Mấy người đang còn muốn “chất vấn” nữa, nhưng ông Nhôn đã thoát ra sân. Thật ra, tháng vừa rồi tiền điện “trội lên” là do có thằng con trai đưa cả gia đình nó về nghỉ hè, nhưng ông không muốn “tiết lộ” với mấy ông bạn. Chúng nó ở miền núi xuống, thắp điện, bật quạt thoải mái. Nhiều khi trong bếp, ngoài sân không có ai nhưng chúng vẫn cứ để đèn sáng choang. Thậm chí ra khỏi phòng, đi chơi nhưng chúng vẫn cứ để quạt chạy vù vù. Có lần ông nhắc khéo, thì thằng con trai nói: “Tiền điện, tiền nước tháng này bố để chúng con thanh toán cho”. Ông không đời nào lại để chúng thanh toán, vì mỗi năm chúng chỉ về một lần dịp hè thăm bố. Ông bảo, vấn đề không phải là “sợ tốn tiền điện”, mà là “dùng điện như thế nào cho có ích”, tức là, ý bố muốn nói “khi không dùng quạt, đèn, thì tắt đi”. Nhắc con dâu thì ông ngại, nhắc con trai mãi cũng "như không".

Ông suy nghĩ và tìm ra một biện pháp.

 Năm sau, khi gia đình chúng về nghỉ hè, ông nói chuyện với Bua Ngân - đứa cháu gái ngay từ đầu:

...

 - Cháu là học sinh lớp 3 rồi. Ông dặn cháu nhớ nhé!

- Vâng ạ.

- Khi nào mọi người ra khỏi phòng, không dùng quạt, không dùng đèn nữa, thì tắt đi. Cháu nhớ được không?

- Nhớ ạ. 

Nó nhớ, nhưng cũng có lần quên. Khi nó nhớ thì ông khen. Khi nó quên thì ông lại nhắc. Kiên trì như vậy mãi rồi nó cũng thành thói quen. Rồi nó lại nhắc cha mẹ tắt điện khi ra khỏi phòng, tắt đèn ở dưới bếp hoặc ngoài sân khi không sử dụng. Ông Nhôn mừng thầm trong bụng là biện pháp giáo dục của ông đã có hiệu quả. Từ việc có ý thức trong việc dùng điện, ông giáo dục con cháu sang việc dùng nước.

- Dùng nước bao nhiêu thì mở vòi nước bấy nhiêu. Dùng xong thì đóng vòi lại. Mở vòi mà không có nước thì phải đóng ngay lại, kẻo khi có nước mà người trong nhà không biết, hoặc đi khỏi, thì nước chảy tràn lan…

Hôm vừa rồi ông Nhôn đi đóng tiền điện, thì số tiền tháng 6 năm nay chỉ bằng 2/3 tháng 6 năm ngoái. Ông tự nói với mình: Biện pháp "bắt đầu" từ đứa cháu nhỏ thật đơn giản mà lại có tác dụng tốt. Đừng tưởng trẻ con không biết gì.


  • 05/09/2014 08:31
  • Khăm Đi
  • 1525


Gửi nhận xét