Gặp người kỹ sư điều hành hệ thống điện quốc gia mang mã số 00001

Đó chính là ông Nguyễn Bỉnh Niệm - Nguyên Thành viên Hội đồng thành viên EVN. Ông là người đầu tiên được nhận chức danh kỹ sư điều hành hệ thống điện quốc gia. Sau 35 năm công tác trong ngành Điện, trong đó hơn 20 năm gắn bó với nghề điều độ vận hành, đến nay dù đã nghỉ hưu, song ông Nguyễn Bỉnh Niệm vẫn luôn đau đáu với ngành, với nghề.

Gương mặt và đôi mắt ông ánh lên bao cảm xúc, niềm tự hào khi trao đổi với Trang tin evn.com.vn về những câu chuyện của những năm tháng không thể nào quên ấy.

Ông Niệm chia sẻ, ông đi ca vận hành Nhà máy điện Uông Bí từ năm 1977, rồi làm điều độ viên Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc năm 1982 và gắn bó với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia từ những ngày mới thành lập (tháng 4/1994).

Trước khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập (tháng 10/1994), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia trực thuộc Bộ Năng lượng. Các kỹ sư điều hành hệ thống điện (HTĐ) sau khi đã được đào tạo, thực tập ở trong và ngoài nước, phải trải qua các kỳ thi sát hạch rất nghiêm ngặt. Thời điểm ấy, đích danh Bộ Trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê ký quyết định công nhận chức danh Kỹ sư Điều hành Hệ thống điện Quốc gia. Ông Nguyễn Bỉnh Niệm chính là người nhận được chức danh này đầu tiên, với mã số 00001.

Đây cũng là một kỷ niệm “khắc cốt ghi tâm” trong cuộc đời ông. Và đến tận bây giờ, các thế hệ cán bộ, nhân viên, người lao động Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vẫn luôn nhớ về người kỹ sư mang mã số 00001 ấy với sự kính trọng, một người lãnh đạo quyết đoán và rất gần gũi, giản dị.

Chứng nhân lịch sử

Ông Nguyễn Bỉnh Niệm đã trực tiếp chỉ huy đóng điện nhiều công trình lớn, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất, mà thậm chí bây giờ mỗi khi nhớ lại cứ ngỡ như “mới diễn ra ngày hôm qua”, là chỉ huy đóng điện đường dây 500kV mạch 1 năm 1994 – một công trình được ví là kỳ tích của thế kỷ XX.

Ông nhớ lại, đến ngày 26/05/1994, đội ngũ kỹ sư điều hành hệ thống điện (HTĐ) quốc gia với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trung tâm đã chỉ huy đóng xung điện thành công lần lượt các đoạn đường dây 500kV từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh, Hà Tĩnh đến Đà Nẵng cũng như từ Phú Lâm đến Pleiku, từ Pleiku đến Đà Nẵng theo đúng các chế độ đã được tính toán. Các chuyên gia tư vấn vận hành Úc khi đó hoàn toàn hài lòng.

Do sự kiện hòa điện lần đầu tiên giữa 4 tổ máy của Thủy điện Hòa Bình với HTĐ miền Nam qua đường dây 500 kV có tính chất đặc biệt quan trọng nên ông - lúc đó là Trưởng phòng Điều độ được Giám đốc Trung tâm - Trần Minh Khâm giao nhiệm vụ trực tiếp viết phiếu thao tác. Ông Đặng Hùng - Phó giám đốc Trung tâm kiêm Trưởng phòng Phương thức là người duyệt phiếu. Chiều muộn ngày 26/5/1994, phiếu thao tác hoàn thành và trình chuyên gia Úc thông qua. Chuyên gia hoàn toàn đồng ý về trình tự các bước của phiếu thao tác nhưng lại yêu cầu thêm cột chú giải, thay vì ghi “Đóng máy cắt 571…” theo thông lệ thì phải thêm cột và ghi cụ thể chi tiết “máy cắt nối thanh cái I đến thanh cái III của trạm …”. Mặc dù được giải thích là không cần vì đã có sơ đồ và từ trước chưa bao giờ phải ghi chú giải như thế, nhưng chuyên gia nhất định yêu cầu phải làm, nếu không thì tạm dừng hòa điện. “Thế là anh em chúng tôi kỳ cạch làm việc cả đêm, ngủ ở cơ quan để chuẩn bị đầy đủ nội dung phiếu thao tác cho buổi hòa điện ngày hôm sau theo đúng yêu cầu của chuyên gia”, ông nói.

 “Trong thời khắc lịch sử ngày 27/5/1994, sau khi kiểm tra mọi công đoạn và điều kiện đã sẵn sàng, lệnh hòa điện qua máy cắt 571 Đà Nẵng được phát ra. Anh em trong phòng Điều khiển đều hồi hộp chờ đợi. Chúng tôi là những người trực tiếp ra lệnh thao tác càng hồi hộp hơn vì qua tín hiệu đèn và chuông báo thấy máy cắt 571 Đà Nẵng vừa “bỏ lỡ” một nhịp đóng. Lúc này tim tôi như bị bóp nghẹt lại, nín thở chờ đợi. Đúng 19h06 phút đèn tín hiệu của máy cắt 571 nhấp nháy rồi sáng đỏ - báo hiệu hòa điện thành công. Mọi người liền vỡ òa trong niềm vui bất tận, ôm chặt lấy nhau cùng chúc mừng thắng lợi”, giọng ông hơi nghẹn lại, cảm xúc bấy lâu ùa về.

Người EVN phải chung “tần số”

Thời điểm ông nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia từ tháng 10/1998 cũng chính thời điểm có nhiều cam go, thách thức. Năm 1998, cùng với sự sát nhập các Điều độ miền, A0 chính thức trở thành một Trung tâm điều độ thống nhất, công tác điều độ từ đây cũng được chỉ đạo nhất quán từ cấp quốc gia đến từng miền, quy mô và phức tạp hơn rất nhiều. Ông cùng ban lãnh đạo đã điều hành Trung tâm không chỉ điều độ hệ thống điện đảm bảo an toàn tuyệt đối, mà còn lập ra các phương án để duy trì vận hành ổn định hệ thống điện miền Bắc, miền Nam, cân đối cung cầu hệ thống điện trong điều kiện hệ thống hầu như chưa có dự phòng (nhất là giai đoạn những năm 1998 – 2004 nhu cầu tăng trưởng điện cao trong khi hệ thống nguồn và lưới chưa theo kịp).

Ông luôn đề cao yếu tố con người, có kế hoạch xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị các chương trình đào tạo bài bản, hệ thống. “Làm nghề điều độ vất vả lắm, mỗi khi vào ca như người lính xông vào trận tuyến, chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự ổn định của hệ thống điện toàn quốc và phải chịu trách nhiệm cao nhất với những quyết định của mình, phải có tinh thần thép… với những đêm trắng” – ông trầm ngâm.

Chính vì thế việc chăm lo đời sống cho người lao động để CBCNV Trung tâm an tâm công tác, hết mình vì công việc luôn được ông và ban lãnh đạo quan tâm đặc biệt; chủ động đề xuất Tổng công ty Điện lực Việt Nam có cơ chế đảm bảo thu nhập cho người lao động. Đồng thời tạo dựng sự gắn kết giữa anh em điều độ 3 miền giao lưu học hỏi lẫn nhau, hướng tới hòa cùng một nhịp đập trái tim Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (TT). Để rồi từ đó, với năng lực, bản lĩnh và sự nỗ lực không ngừng, TT luôn vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả hệ thống điện. Các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ trong hệ thống điện  ngày càng khắt khe, phức tạp cùng với sự phát triển của nguồn và lưới điện, nhưng CBCNV TT vẫn “chinh phục” thành công.

Từ năm 2004, ông được bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, sau này là Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam và công tác cho đến khi nghỉ hưu năm 2012. Ông tâm sự: “Mặc dù được nghỉ hưu đã gần 9 năm, cá nhân tôi luôn dõi theo sự phát triển của ngành Điện, tự coi mình vẫn là người ngành Điện. Những trăn trở, bức xúc trong tôi vẫn trào dâng mỗi khi dư luận xã hội có những đánh giá chưa khách quan, chưa chính xác về ngành.”

Rồi ông nhắn nhủ tới các thế hệ người làm điện tiếp nối: “Mỗi người làm điện cần luôn nỗ lực, đồng tâm hiệp lực, hòa cùng nhịp đập con tim, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình dù ở bất kỳ vị trí nào, cũng như mỗi phần tử của hệ thống điện có chức năng riêng của nó, nhưng cả HTĐ luôn luôn là một hệ thống thống nhất, cùng chung một tần số”.

Một số khen thưởng cao quý nhất:

+ Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2003)

+ Huân chương Lao động hạng 2 (năm 2011)


  • 13/12/2020 06:42
  • Nguồn: EVNEIC
  • 1412