Trái ngược với những suy nghĩ ban đầu của tôi về một nữ công nhân vận hành điện có “sức vóc vượt trội”, chị Trần Thị Hiệp lại có dáng người mảnh mai, nước da trắng, ánh mắt sáng và nụ cười rất tươi. Cách nói chuyện của chị cũng hết sức mộc mạc, giản dị và gần gũi. Theo tâm sự của chị Hiệp, chị bén duyên với ngành Điện từ nhỏ. Bố và anh trai chị đều gắn bó cả đời với ngành Điện, vì thế, tuổi thơ của chị cũng gắn bó với những câu chuyện về cột và đường dây điện. Tình yêu nghề, mong muốn được gắn bó với nghề điện trong chị Hiệp cũng bắt đầu ngay từ thuở ấu thơ.
Chị Hiệp đã có thời gian dài làm công nhân trực vận hành TBA 110kV tại Công ty Điện lực Cao Bằng trước khi chuyển về công tác tại Công ty Điện lực Lai Châu. “Nghĩ đến công nhân vận hành điện, ai cũng nghĩ, công việc này chỉ phù hợp với đàn ông và ngay cả bản thân mình, khi đi trực cũng nghĩ mình là đàn ông”- chị Hiệp vui vẻ tâm sự và cho biết thêm: “Những ngày đầu cũng thấy vất vả lắm, nhưng gắn bó lâu với nghề giờ mình đã quen, việc xử lý sự cố hay vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ. Lâu dần, mình yêu và có tình cảm luôn với từng thiết bị”.
Chị Trần Thị Hiệp, Điện lực Tân Uyên, Công ty Điện lực Lai Châu
|
Là công nhân trực vận hành, chị Hiệp làm việc theo ca kíp, đặc biệt, công việc luôn đòi hỏi phải có sự cẩn thận, tập trung quan sát kỹ từng chi tiết, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Với tính đặc thù công việc, đa phần nữ công nhân vận hành điện đều có những vất vả và khó khăn hơn cánh mày râu, khi vừa phải làm tốt công việc được giao vừa phải chăm sóc gia đình, hoàn thành tốt thiên chức của một người mẹ, người vợ.
Thế nhưng năm 2013, chồng chị qua đời vì bạo bệnh. Từ đó, chị gánh cả trách nhiệm làm cha, làm mẹ và trụ cột gia đình. Chị tâm sự: “Chồng mất khi mình vừa sinh cháu thứ hai được 6 tháng. Gia đình nhà ngoại ở xa, nhà nội thì neo người nên mình phải đứng ra lo liệu mọi chuyện từ đi làm, chăm sóc con nhỏ đến việc phụng dưỡng cha mẹ chồng. Thời gian ấy, nhiều đêm, đi làm mang vào ca trực cả tiếng khóc khát sữa của con thơ, mình cũng thấy chạnh lòng, thương con vô cùng. Nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng vượt qua, rồi cũng dần dần quen. Những lúc ấy, chính sự động viên, giúp đỡ của lãnh đạo đơn vị, sự thấu hiểu, chia sẻ của gia đình và đồng nghiệp là chỗ dựa, là động lực giúp mình có thêm nghị lực vượt qua những vất vả cam go, tiếp tục theo nghề đã chọn”.
Chị Hiệp chia sẻ, mình thực sự may mắn khi được làm việc trong ngành Điện, nhận được sự quan tâm giúp đỡ của ban lãnh đạo, sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho mình vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đồng thời, tạo động lực và quyết tâm gắn bó với ngành Điện, lao động và cống hiến hết mình cho dòng điện thân yêu.