Công nhân Điện lực Tuy Đức sửa chữa hệ thống điện cho bà con nhân dân xã Quảng Tân.
|
Tuy Đức là một huyện thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông, là huyện giáp biên giới Campuchia, đời sống của nhân dân trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong những năm qua, tập thể lãnh đạo và CBCNV Điện lực Tuy Đức đã không ngừng cố gắng để cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương.
Theo sự phân cấp quản lý, với địa hình chủ yếu là đồi núi lại khá rộng ngoài trụ sở chính ở khu vực trung tâm huyện thì còn có 1 đội quản lý đường dây và 1 Tổ quản lý đường dây và trạm Quảng Tân.
Dưới sự điều hành chung của Ban giám đốc đơn vị thì có các Đội trưởng tổ trưởng và các tổ viên trong đội quản lý. Đặc biệt lã khu vực xã Quảng Trực địa bàn cách cửa khẩu Bu Prăng khoảng 15km qua nước bạn Campuchia với sự phân công thì trong tổ trạm này chịu trách nhiệm chính của khu vực là đồng chí “Lô Văn Voòng” một cái tên rất ấn tượng khi đọc lên cũng như cách làm việc và cách sống hòa đồng của anh đối với thôn bon nơi này.
Xa quê hương anh mang theo vợ con lên mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp, 42 tuổi đời và 11 năm gắn bó với tuổi nghề sửa chữa điện, anh Voòng mang theo bao ước mơ hoài bão khi đến nơi này. Với anh, nếu không có tình yêu với nghề không sợ khó sợ khổ cũng như sự thấu hiếu chia sẻ động viên của vợ con anh thì rất dễ buông bỏ công việc nặng nhọc, đầy nguy hiểm này.
Những năm trước đây, địa bàn nơi anh và vợ con sinh sống điều kiện đi lại rất khó khăn lại nằm ở vùng sâu, vùng xa biên giới heo hút ít người chủ yếu là dân tộc thiểu số. Ấy vậy bản lĩnh và nghị lực không làm anh chùn bước, từ những ngày đầu bỡ ngỡ bước chân vào ngành Điện cho đến hôm nay anh cũng đã đồng hành với người dân nơi đây được 11 năm.
Thời gian chưa phải nhiều cũng không phải là ít, nhưng với con người thật thà chất phát sẵn lòng giúp đỡ người dân khi họ cần anh rất được bà con nhân dân tin tưởng và yêu mến. Bởi vậy, nếu có bất cứ ai khi hỏi tới hay có thắc mắc thông tin về điện ở xã Quảng Trực người dân trong khu vực sẽ nói ngay cái tên với giọng nói trìu mến của người dân bản địa là “Anh Lô thợ điện”.
Với những cán bộ, công nhân viên ngành Điện, khái niệm chia ca trực bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Trực đêm, trực bão, trực giao thừa, trực sự cố, trực bảo đảm điện cho các sự kiện quan trọng… Mỗi người dân, vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm của đất nước, ngày tết cổ truyền của dân tộc là lúc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và sum họp gia đình thì với anh Voòng và công nhân ngành điện đây lại là thời gian làm việc căng thẳng nhất và trách nhiệm phải đặt lên cao nhất.
Những ngày hè nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến khiến cho anh và các ca trực phải liên tục xử lý sự cố từ nhảy aptomat hòm công tơ của các hộ gia đình, cột điện cháy đến quá tải cục bộ một nhánh ở trạm biến áp. Trong khi người người tìm bóng mát để tránh nắng nóng, thì đâu đó vẫn thấp thoáng những bóng áo da cam miệt mài trên các cột điện bỏng rát để sửa chữa.
Sự nhọc nhằn của anh và anh em trong đơn vị lại tăng lên gấp bội khi giông bão mùa mưa đến khi mọi người ngon giấc dưới mái ấm gia đình thì những người thợ điện lại chạy đua cùng đêm tối để khắc phục sự cố bất kể dù mưa hay nắng, dù sáng sớm hay đêm khuya, anh và mọi người vẫn thầm lặng bám trụ cùng những tuyến đường dây, cùng vị trí cột, với từng chiếc cờ lê, mỏ lết, kìm, kẹp... để tìm cho ra sự cố. Có nhiều khi nghe gió rít ù ù, lạnh tê tái vì dầm mưa, bụng đói cồn cào, thức thâu đêm tới sáng rong ruổi trên các cung đường để kiểm tra hệ thống đường dây, cột điện dẫu trời có rét buốt hay mưa có xối xả việc xử lý không kịp thời là nhiều nhà phải chờ điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, biết bao bữa cơm gia đình thường vắng bóng người cha bởi khi anh trở về nhà thì các con đã ngon giấc và ra khỏi nhà khi bình minh chưa lên.
Gian nan vất vả là vậy nhưng rất đỗi tự hào, trong anh đồng nghiệp rất vui sướng mỗi khi xử lý xong sự cố và nghe thấy tiếng phát ra từ mọi nhà “có điện rồi,có điện rồi”. Hình ảnh người công nhân thợ điện treo mình trên cột điện cao chót vót, mong manh trong chiếc áo màu vàng cam với biết bao hiểm nguy luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.
Có ai vào ngành Điện mới thấm thía hết những gian nan, vất vả mà anh đã được “nếm trải” trong suốt bao năm công tác gắn bó với nghề. Anh Voòng tâm sự làm thợ điện ăn cơm trên trụ, dầm mưa dãi nắng làm việc thông tầm là chuyện bình thường, công việc đơn thuần của anh Voòng không chỉ trèo trụ song song với chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của đơn vị còn rất rất nhiều công việc quan trọng ngoài việc đảm bảo nguồn điện an toàn cho đời sống của khách hàng thì công việc đôn đốc nhắc nhở khách hàng nộp tiền điện vì khách hàng còn rất nghèo, thiếu thốn.
Thấu hiểu và đồng cảm với khó khăn đó dẫu cho việc nhà anh bộn bề không giúp được cho vợ con sau giờ làm khi công việc chưa hoàn thành thì anh vẫn không yên lòng nên anh tận tụy chịu thương khó tận dụng thời gian buổi tối đến từng nhà tuyên truyền nhắc nhớ bà con cách sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả song hành là thanh toán tiền điện đúng ngày đúng hạn với tính cách thật thà chịu khó của anh cũng cảm phục được khách hàng nên ý thức của khách hàng ở đây luôn chấp hành tốt những quy định của điện lực.
Với bản tính cần cù, chịu khó gắn bó yêu nghề luôn học hỏi trau dồi kiến thức kinh nghiệm cố gắng trong sản xuất công tác anh Lô Văn Voòng liên tục được Điện lực Tuy Đức và Công ty khen thưởng cùng với sự động viên của công đoàn đơn vị và công đoàn cấp trên quan tâm động viên kịp thời.
Anh Voòng bộc bạch: “Được lãnh đạo ghi nhận những thành tích trong thời gian qua tôi hiểu rằng đó là công lao đóng góp của tập thể, tôi chỉ góp công sức nhỏ bé để xây dựng Điện lực Tuy Đức ngày càng phát triển đi lên và đoàn kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Quản lý, vận hành lưới điện vùng biên giới xa xôi và cách trở, nhưng vượt lên tất cả những khó khăn, thiệt thòi, những người thợ điện Đắk Nông luôn tận tụy đem nguồn sáng, ánh điện đến cho người dân cũng như phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh ở khu vực biên giới.
Dù mệt mỏi, vất vả, những người công nhân điện vẫn giữ cho mình lòng yêu đời, tinh thần lạc quan, luôn nở nụ cười trên môi bởi cái nghề ấy đã trở thành tình yêu, một niềm gắn bó để mỗi ngày trôi qua các anh lại miệt mài mang ánh sáng của dòng điện đến với từng gia đình, làng quê, từ thành thị đến những vùng sâu vùng xa.
Link gốc