Điều độ viên PC Đà Nẵng trong ca trực thường nhật.
|
Không được phép sai sót
Ngót nghét 45 năm qua, tại phòng Điều độ - Trung tâm điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng, trải qua bao nhiêu ngày lễ, ngày Tết, ngày mưa bão thì đèn cũng chưa bao giờ tắt. Căn phòng này được xem là “trái tim” của các đơn vị điện lực trực thuộc PC Đà Nẵng.
“Đóng máy cắt 471”, “Cắt máy cắt Phan Chu Trinh”… những khẩu lệnh ấy phải được thi hành ngay, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ mất điện một số khu vực của thành phố, làm ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị, kinh tế, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Mỗi điều độ viên khi đã vào ca trực ví như ngồi trên “ghế nóng”, như người lính khi đã xuất quân ra trận; luôn luôn phải nghiêm túc, cẩn thận khi ra mệnh lệnh cho công nhân thao tác, không được phép lơi lỏng, không được phép sơ suất vì một mệnh lệnh sai có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con người hoặc làm hư hỏng tài sản của nhà nước, của khách hàng…
Thông thường, chỉ có 2 điều độ viên đảm đương trong một ca trực, với chức năng và trách nhiệm như nhau, nhiệm vụ cơ bản là chỉ huy vận hành hệ thống điện phân phối nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có tác động mạnh mẽ, nhiều trạm biến áp 110kV không người trực vì vậy, điều độ viên một lúc phải làm tròn vai trò của điều độ viên - trực chỉ huy vận hành hệ thống điện phân phối, chỉ huy thao tác và xử lý sự cố từ lưới điện có cấp điện áp 110kV đến lưới điện hạ áp 0,4kV chằng chịt; vừa là trưởng kíp Trung tâm điều khiển, thực hiện các thao tác xa thiết bị tại các TBA 110kV không người trực theo lệnh chỉ huy điều độ của điều độ viên miền.
Trong các điều kiện phải đảm bảo cung cấp điện cho các sự kiện chính trị quan trọng, ngày lễ, Tết, các kỳ thi tuyển sinh, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ…, nhiệm vụ của điều độ viên càng nặng nề gấp bội.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Hạnh, người có gần 15 năm làm công việc của một điều độ viên tâm sự: “Mùa mưa bão, vào ca trực là bắt đầu một cuộc chiến. Với tôi, an toàn là trên hết, không được phép sai sót, kiểm tra thật kỹ, chỉ cần lơ là nhìn màn hình nhầm, lệnh đóng nhầm thiết bị là chết người, là mất tất cả”.
Các điều độ viên PC Đà Nẵng tập trung cao độ, theo dõi các thông số trên màn hình.
|
Công việc căng thẳng
Tháng 10/2020, cơn bão thứ 6 trên biển Đông với tên quốc tế Linfa tiếp tục đi vào dải đất miền Trung sau khi bão số 5 (Noul) mới vừa quét qua, TP Đà Nẵng đã trải qua gần 2 tuần mưa liên tiếp, với lưu lượng mưa lớn chưa từng có.
Một ngày sau khi cơn bão Linfa đi qua, gió giật cấp 8 kèm theo mưa lớn gây ngập lụt nặng tại các khu vực Hòa Vang, Cẩm Lệ… Công việc của một điều độ viên lúc này căng như dây đàn, làm sao phải đảm bảo cấp điện ổn định cho các khu vực không bị ảnh hưởng, đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường; vừa phải thao tác khôi phục lưới điện bị ảnh hưởng sau bão.
3 điều độ viên (có thêm 1 điều độ viên tăng cường) với 4 chiếc điện thoại đổ chuông liên hồi, màn hình wall, màn hình SCADA hiển thị liên tục các dòng sự kiện và cảnh báo vận hành hệ thống, đèn nhấp nháy liên tục, đòi hỏi điều độ viên phải phán đoán nhanh nơi xảy ra sự cố để chọn số điện thoại cần gọi. Vì chỉ cần xử lý đúng một chỗ, những nơi khác tức khắc có điện, còn sai thì có khi màn hình đỏ lòm vì sự cố lan rộng.
Số điện thoại các đơn vị, điều độ viên phải ghi nhớ, để thao tác nhanh nhất có thể, kết nối liên lạc ngay với các đơn vị khi cần. Ngoài các thao tác xử lý sự cố, điều độ viên còn phải thao tác đóng cắt thiết bị trên hệ thống OMS (hệ thống quản lý mất điện) để đồng bộ dữ liệu về Trung tâm chăm sóc khách hàng để trả lời khách hàng, cập nhật các báo cáo sự cố và tình hình khôi phục cấp điện đến các đơn vị kịp thời để phối hợp thực hiện.
“12g00, lệnh D6 đóng máy cắt Hòa Nhơn”, “12g02, cho phép D6 khôi phục trạm Trung Sơn”… là những khẩu lệnh hết sức ngắn gọn, dứt khoát sau khi Điện lực Hòa Vang đã khẳng định đủ các điều kiện để được cấp điện trở lại.
Khôi phục cấp điện sau bão lũ, nhất là đối với các khu vực ngập lụt, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo nhanh chóng là một áp lực rất lớn với các điều độ viên. Việc thống kê các khu vực, đường dây, trạm biến áp phải được chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ; đóng điện khôi phục các trạm biến áp bị ngập lụt được thực hiện hết sức cẩn thận, kiểm tra từng phiếu công tác, phiếu thao tác, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Với hàng loạt các công việc ập đến cùng lúc như vậy, đòi hỏi điều độ viên phải có bản lĩnh, thần kinh thép và sẵn sàng trong mọi tình huống, chuyên môn vững vàng để phân tích nhanh các sự cố, thao tác khôi phục phần lưới điện không bị sự cố, hạn chế tối đa thời gian mất điện của khách hàng.
Vì lẽ đó, để trở thành một điều độ viên cũng không hề đơn giản, phải được tuyển chọn kỹ lưỡng đầu vào, ngoài việc phải có trình độ, tốt nghiệp đại học, có tuổi đời trẻ và sức khỏe tốt, cũng cần phải có “tướng” làm điều độ. Sau khi được tuyển chọn, họ phải trải qua thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại đơn vị, tìm hiểu thực tế lưới điện qua nhiều cấp kiểm tra và phải được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung bồi huấn, kiểm tra đạt yêu cầu mới được phép vào ca trực.
Để dòng điện tuôn chảy liên tục, những điều độ viên cứ cắm cúi, lặng thầm với công việc của mình, luân phiên nhau điều hành 24/24 giờ trong ngày để giữ cho dòng điện được liên tục. Họ luôn phải ngồi trên “ghế nóng” trong phòng lạnh với rất nhiều nỗi vất vả, gian truân nhưng ít ai biết được.