Hãy cảnh giác với nắng nóng!

Làm việc dưới trời nắng nóng quá lâu, người lao động rất dễ bị say nắng, sốc nắng. Nếu không biết cách phòng chống, tình trạng này sẽ dẫn đến mất nước ở các mức độ khác nhau, sẽ ảnh hướng đến sức khỏe và gây mất an toàn lao động. Sau đây là những lời khuyên của Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Văn Lăng, cán bộ y tế Tập đoàn Điện lực Việt Nam dành cho công nhân điện khi phải làm việc dưới trời nắng:

Thợ điện Hà Nội làm việc trong nắng nóng để giữ cho dòng điện ổn định - Nguồn ảnh: EVNHANOI

Làm việc dưới trời nắng, nóng, thợ điện cần chú ý:

- Phải đội mũ tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào gáy.

- Đảm bảo nước uống đầy đủ. Nên uống nước có pha chút muối hoặc uống dung dịch oresol.

- Cần phải có bạt, chòi để nghỉ mát khi làm việc suốt ngày ngoài nắng. 

- Không làm việc quá lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng, những ngày nắng nóng cần phải thay nhau khi làm việc ngoài nắng. 

- Không nên uống nhiều nước đá lạnh hay quạt trực tiếp vào người. 

- Đảm bảo sức khỏe: Tăng cường luyện tập thể lực, đảm bảo ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. 

Dấu hiệu say nắng gồm: Mệt mỏi, mắt lờ đờ; cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt lên đến trên 40 độ; đau đầu, chóng mặt, hoa mắt; buồn nôn, ói mửa, có thể bị ngất xỉu; nhịp thở yếu, nhanh; mạch nhanh yếu, khó bắt, hoặc thậm chí không bắt được mạch. Trường hợp say nắng nặng sẽ hôn mê hoàn toàn và lên những cơn co giật

Khi bị say nắng, say nóng cần: 

- Nhanh chóng làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách đưa ngay vào chỗ thoáng mát, đặt nạn nhân nằm ngửa, gác chân lên cao. Cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước có pha muối, tốt nhất là cho uống dung dịch oresol.

- Dùng khăn thấm nước đá chườm lạnh khắp người, nhất là cổ, nách, háng. Nếu nạn nhân bị ngừng tim cần nhanh chóng xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt. 

Những biện pháp kể trên cũng cần được tiếp tục thực hiện trong xe trên đường đến bệnh viện, nếu như tình trạng chuyển biến nặng. 

 


  • 28/05/2015 02:05
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1229


Gửi nhận xét