Khó nào bằng làm bản tin nội bộ?

Làm ngành Điện và viết về ngành Điện và những đồng nghiệp xung quanh mình. Điều này tưởng như dễ dàng, nhưng khi thực sự “nhập cuộc” mới thấy hết mọi nỗi khó khăn.

Ảnh minh họa

Dễ khi viết về “ngành mình”…

Có khi trong một lĩnh vực, Tập đoàn, Tổng công ty, cũng có thể là một phòng, ban trong cùng đơn vị, mỗi người một nhiệm vụ và những người làm bản tin có trách nhiệm thông tin tuyên truyền về những hoạt động của ngành và đơn vị mình triển khai. Vì thế, những người làm bản tin ngành Điện cũng giống như một số ngành khác, luôn được coi là “người nhà” khi liên hệ tới các bộ phận để trao đổi thông tin. Với sự thân thiện, sẵn sàng chia sẻ thông tin giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ, khiến cho việc lấy thông tin nhanh, chính xác và dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là tiếp cận nguồn thông tin, còn rất nhiều việc phải làm để chuyển tải sao cho chuẩn xác, dễ hiểu mà người trong ngành đọc thấy đúng, thấy cần, làm sao không khô cứng, vừa phản ánh được tâm tư nguyện vọng, góc đời sống xã hội của người trong nghề, để các thành viên có thể tìm được sự đồng cảm chung, vừa chia sẻ được những vấn đề đời sống xã hội bên ngoài giúp họ bắt kịp nhịp sống hiện đại.

Anh Tăng Phan Lương, phụ trách bản tin Công ty Điện lực Quảng Nam, một người lăn lộn với nghề và đã có nhiều tin bài phản ánh các lĩnh vực hoạt động trong ngành chia sẻ: Anh em chúng tôi mỗi lần đi cơ sở là tranh thủ tìm hiểu, ghi chép, chụp ảnh, thu thập đủ thông tin rồi về ngay để làm tin. Ngoài trang tin nội bộ, chúng tôi còn tham gia gửi bài cho bản tin điện tử của địa phương nhằm thông tin đến nhiều độc giả hơn. Nhờ thế, thông tin của trang web đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý giá không chỉ với CBCNV trong đơn vị, mà với nhiều đối tượng bạn đọc khác.

… và cũng khó khi viết cho ngành

Thông tin cho ngành “quen” mà phải “lạ”, đó chính là một khó khăn mang tính đặc thù trong thông tin đối với những người làm bản tin nội bộ. Bởi lẽ, đối tượng và nội dung thông tin của bản tin nội bộ cũng chính là những chủ thể hoạt động. Viết thế nào đây để những người cung cấp cấp tin đọc về họ mà không thấy chán, những thành viên trong ngành đọc về ngành mà không thấy nhàm?

Đấy là chưa kể đến một thực tế là, những người có nghiệp vụ làm báo lại không phải người có chuyên môn về ngành Điện – một ngành mang nhiều tính đặc thù về kỹ thuật. Người có chuyên môn ngành Điện lại không có kỹ năng viết bài. Để đảm bảo tuyên truyền đúng, đủ và hấp dẫn, những phóng viên chuyên và không chuyên đã phải luôn không ngừng học hỏi để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Vấn đề nhân sự cũng là một khó khăn không nhỏ đối với người làm bản tin ngành Điện. Số cán bộ tham gia làm bản tin chỉ 1 đến 2 người. Vì thế, một người phải kiêm nhiệm đủ thứ việc. Chị Nguyễn Thị Mai Hoa - Chuyên viên Phụ trách bản tin Tổng công ty Điện lực miền Nam, cho biết về quy trình “từ A đến Z” của chị: Lập kế hoạch nội dung chi tiết hằng tháng cho Bản tin; xây dựng các chuyên mục, đưa ra chủ đề cho các bài viết; biên tập và chọn hình ảnh cho bài viết; viết tin, bài, sự kiện, chuyên đề của Tổng công ty; thiết kế, dàn trang; soát lỗi mo - rát, sửa bông…

Động lực nào?

Không ít người quan niệm, làm bản tin nội bộ thì khó gì đâu. Thế nhưng, để có được những bài viết về ngành, các phóng viên, những người làm bản tin đã đi hầu như khắp mọi miền đất nước. Đôi khi chỉ là một bức ảnh, vài dòng tin ngắn nhưng họ cũng đã phải có mặt ở những nơi địa đầu của Tổ quốc như Móng Cái, Cà Mau; những vùng biển đảo xa xôi như Phú Quốc, Trường Sa; hay tới những vùng sâu vùng xa như Sơn La, Lai Châu… Những bài viết không được trả tiền nhuận bút cao như báo lớn, vấn đề không “rầm rộ” như báo ngày, nhưng nơi nào có dòng điện, có người làm điện, thậm chí là những nơi điện sắp đến là có mặt những người cầm bút của ngành. Và chỉ có lòng yêu nghề vô bờ bến họ mới làm được điều đó.  
Anh Dương Anh Minh, Ban Quan hệ cộng đồng - Tổng công ty Điện lực miền Trung – người đã có 18 năm gắn bó với công việc làm bản tin nội bộ, tâm sự:  “Tôi còn nhớ một chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum lấy thông tin về cấp điện các thôn buôn. Trên đường vào buôn, xe chúng tôi phải vượt qua bao đồi núi hiểm trở, còn 5 km nữa đến nơi thì được báo xe không vào được, chỉ đi bằng xe máy hoặc đi bộ. Trời giữa trưa lại sắp đổ cơn mưa to. Anh em quyết định đi bằng xe máy, đoạn đường thật là khủng khiếp, đồi núi hiểm trở với những ổ voi khổng lồ, có những đoạn anh em phải dắt bộ vượt dốc.  Cuối cùng với sự nỗ lực, vượt mọi khó khăn, bản tin về cấp điện các thôn buôn dịp Tết của chúng tôi cũng được hoàn thành kịp thời.

Khó khăn là vậy, nhưng với lòng yêu ngành, yêu nghề, những người cầm bút ngành Điện, dù là các phóng viên chuyên nghiệp hay không chuyên vẫn nỗ lực hằng ngày, âm thầm ghi nhận mọi hoạt động của ngành, của đơn vị với một tấm lòng mong mỏi thiết tha: Làm sao để đem đến cho chính người lao động trong ngành một bức tranh toàn cảnh đầy đủ, chân thật sinh động nhất về hoạt động điện lực.
 


  • 06/09/2012 02:38
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập tháng 8/2012
  • 2798


Gửi nhận xét