Tôi yêu Trạm của tôi

Tôi mới ra trường, làm việc xa nhà và công việc cũng còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng chính tình cảm của đồng nghiệp đã cho tôi thêm sức mạnh để vượt qua.

Tinh thần đoàn kết, gắn bó là truyền thống của những người thợ điện Ảnh: Văn Lương

"Nhập quốc tịch"

Nhắc tới Trạm biến áp 110 kV Đồng Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ, nhiều người lắc đầu “lên đó buồn lắm”. Có lẽ, do địa thế “xa người dương, gần người âm”, cộng với con đường dài quanh co, hun hút, thỉnh thoảng lại… rải đầy tiền âm phủ gây không ít sợ sệt, buồn chán với những ai lần đầu bước chân đến đây…

Cảm giác của tôi lần đầu về “nhập quốc tịch” ở Trạm cũng vậy. Thế nhưng, những anh thợ điện vui tính, dễ gần đã giúp “đánh bay” mọi bỡ ngỡ, buồn nản ban đầu.      

Đất Tổ có đặc sản chè nổi tiếng. Trạm tôi cũng toàn dân “nghiền chè”. Tôi là con gái, lại "lính mới", nên mấy anh đồng nghiệp tếu táo: “Em cứ nhìn răng anh mà học pha chè nhé”. Đó không hẳn là một câu nói đùa, vì nước chè là phương thuốc giúp các anh tỉnh táo trong những đêm đi ca dài đằng đẵng. Bây giờ, giao ca xong kiểu gì tôi cũng "được" vỗ vai: “Em gái, pha anh ấm nước chè”. Tôi nghĩ bụng cười thầm: “Chắc mình cũng sắp thành em gái chè rồi đây”.

Nếu miền Trung quê tôi có lệ “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, thì ở đây phải thay bằng “chén chè là đầu câu chuyện”. Dân trong nghề với nhau cả, nói đi nói lại vẫn là kỹ thuật, sự cố, rồi mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, có khi cãi nhau “ỏm tỏi” vì bất đồng ý kiến. Nhưng tranh luận xong là thôi, chẳng ai để bụng. Tôi nghiệm ra, ngồi uống nước chè không chỉ để “chém gió” mà còn giúp cho chúng tôi có được những bài học khi mới vào nghề.    

Ngôi nhà mới của tôi

Buổi chiều, anh em trong Trạm thường tập thể dục thể thao. Vì đội bóng không đủ quân số nên 2 "tiểu cô nương" chúng tôi cũng được lôi vào… lấp chỗ trống. Nhờ vậy, chúng tôi "trò" gì cũng chơi được từ cầu lông, bóng bàn đến bóng đá, bóng chuyền.

Ở đây, chúng tôi sống đoàn kết, chan hòa như trong một gia đình. Nhớ lần đầu tiên đón Tết ở Trạm, tôi thấy cay cay sống mũi vì nhớ nhà. Buổi chiều ngày 30 Tết, các anh em tụ họp đông đủ, cùng nhau làm gà, nấu bữa cơm cúng tất niên. Những “thủ tục” mà mẹ tôi hay làm ở nhà giờ thấy các anh làm thành thạo, tôi trố mắt ngạc nhiên: "Hóa ra các anh thợ điện cũng khéo tay bếp núc đến vậy". Lúc Giao thừa, nhận bao lì xì và lời chúc của các anh, tôi cảm nhận rõ hơi ấm gia đình, cảm giác mình như đứa em út bé bỏng trong nhà vậy. Mọi nỗi buồn khi phải đón Tết xa nhà dường như "bay biến".

Anh Trạm trưởng vẫn nói với chúng tôi: “Hãy xem Trạm như gia đình, anh em đồng nghiệp trong Trạm như người một nhà”. Thực ra, không biết tự bao giờ, tôi đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi yêu lắm những tiếng cười rộn rã, những gương mặt đen sạm vì nắng gió, nhưng luôn rạng rỡ, yêu đời…

Tôi yêu Trạm của tôi! 


  • 27/08/2012 11:32
  • HHN
  • 2516


Gửi nhận xét