Kinh nghiệm của doanh nhân trẻ thế giới

Để thành công với vai trò lãnh đạo, nhiều doanh nhân trẻ nổi tiếng thế giới đã rút ra cho mình những kinh nghiệm “xương máu” trong quá trình tạo dựng niềm tin và nhận được sự tâm phục, khẩu phục của nhân viên!

Ảnh minh họa.

Luôn tôn trọng nhân viên

Mark Elliot Zuckerberg (35 tuổi) - đồng sáng lập và sở hữu mạng xã hội Facebook là một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới. Khởi nghiệp khi mới 20 tuổi, đến nay, Zuckerberg đã sở hữu công ty có giá trị 440 tỷ USD và 18.770 nhân viên. Nói về những thành công của mình, Mark Zuckerberg cho biết: “Ở Facebook có rất nhiều nhân viên hơn tôi cả tuổi đời và kinh nghiệm làm việc. Tôi học được ở họ rất nhiều cách giải quyết công việc cũng như đối nhân xử thế. Vì vậy, là “sếp trẻ,” bạn phải cầu thị và biết cách tôn trọng, lắng nghe nhân viên của mình”.

Cũng theo Mark Zuckerberg, thông thường, nhân viên cấp dưới trong công ty là những người có trình độ chuyên môn tốt. Họ đã gắn bó với công ty nhiều năm và trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, được tiếp thu nhiều định hướng, ý tưởng và có thể sáng suốt hơn trong việc đánh giá mức độ khả thi của từng dự án, kế hoạch. Vì vậy, vai trò của “sếp trẻ” chính là người cố vấn. Mark dành nhiều thời gian trò chuyện và tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy tài năng, có thêm nhiều đóng góp tương xứng với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của họ. Bên cạnh đó, theo Mark: “Với công việc được giao, nhân viên được định hướng cách giải quyết vấn đề và sếp phải có tiêu chí đánh giá chính xác kết quả thực hiện công việc của nhân viên. Từ đó, sẽ tránh được những sai sót không đáng có. Hãy nghiêm túc đưa ra những yêu cầu trong công việc, cách thực hiện sao cho hợp lý, kịp thời động viên họ tự tin vào bản thân, sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và cởi mở nếu xảy ra mâu thuẫn”.

Ở chiều ngược lại, Mark Zuckerberg cũng cho rằng, nhân viên cấp dưới cũng cần cởi mở, tiếp thu kiến thức mới, tự hoàn thiện bản thân. Bởi ở công ty, mọi người đều bình đẳng trong công việc và mọi vấn đề đều phải được mang ra trao đổi một cách thẳng thắn -  Mark Zuckerberg nhấn mạnh và cho biết thêm: “Nhân hòa” giữa "sếp trẻ" và nhân sự cấp dưới sẽ là cơ hội để mỗi nhà quản lý nắm lấy “thiên thời” và “địa lợi”.

Đừng vội “săn thành tích”

“Đa số các sếp trẻ lúc đầu đều chịu áp lực, phải hết sức cố gắng, lấy được niềm tin và sự nể phục của nhân viên. Họ lao vào "săn thành tích" và cho rằng, chỉ có thành tích mới giúp họ củng cố vững chắc vị trí. Tôi đã từng như vậy và đã làm hỏng không ít việc” - Suhail Doshi, người sáng lập Công ty Phân tích dữ liệu Mixpanel (Mỹ) chia sẻ về con đường trở thành người quản lý ở tuổi 22 với hơn 300 nhân viên và bài học đắt giá đã trải qua.

Lời khuyên mà Suhail Doshi dành cho “sếp trẻ” là “Phải luôn tự tin vào bản thân vì bạn phải là người thực sự xứng đáng mới được cất nhắc lên vị trí đó. Đừng vội lập công, vì sự vội vàng chẳng mang lại điều gì, ngoài những sai lầm. Thay vào đó, hãy tập trung vào thực hiện hai đến ba vấn đề mỗi năm.”

10 năm qua, Suhail Doshi luôn dành thời gian trao đổi với đồng nghiệp, tìm ra các giải pháp phát triển Công ty. “Hãy nói với các thành viên trong công ty của bạn rằng, bạn đang làm việc vì mục tiêu này. Hãy làm việc theo phương châm: "Bạn nên xây dựng một tập thể có thể hoàn thành sứ mệnh mà không cần bạn". Để làm được điều này, hãy trao quyền cho những người khác, giúp bạn bớt căng thẳng” - Suhail Doshi chia sẻ.

Chú trọng quyền lợi của nhân viên trên cơ sở lợi ích chung

“Bên cạnh tài năng chuyên môn, sự quyết đoán, công bằng và minh bạch trong quản lý cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định bạn là ai trong mắt nhân viên. Là quản lý, bạn phải luôn quyết đoán khi giải quyết vấn đề và tỏ rõ bản lĩnh thuyết phục cấp dưới” - Đó là chia sẻ của Kylie Jenner- Nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn.

21 tuổi, nữ tỷ phú này hiện đang quản lý 100 nhân viên. Chưa từng tham gia bất kỳ khóa đào tạo nào về quản trị, nhưng những bí quyết lãnh đạo được Kylie Jenner rút ra từ 6 năm kinh nghiệm là: “Trong công việc, trách nhiệm đi liền với quyền lợi. Hãy đảm bảo điều này cho nhân viên. Nếu họ làm tốt, hãy thưởng cho họ. Hãy xem xét lại lương của nhân viên theo định kỳ hoặc khi họ đề nghị. Nếu bạn muốn họ nhận thêm một công việc mới, hãy cho họ biết nếu họ làm tốt, họ sẽ được gì”.

Kylie Jenner cũng cho biết: “Trong trường hợp nhân viên của bạn bị hiểu lầm hoặc bị bắt nạt, hãy đứng ra bảo vệ họ đến cùng. Hãy để họ chủ động đến với bạn, thay vì né tránh hay e ngại. Hãy tương tác nhiều hơn với nhân viên của mình, lắng nghe mọi chuyện từ công việc tới cuộc sống, từ niềm vui tới nỗi buồn. Hãy giúp đỡ khi họ gặp khó khăn hay vấp ngã và kịp thời động viên, khen thưởng khi họ làm tốt công việc. Trở thành một người bạn được nhân viên tin tưởng sẽ giúp nhà quản lý gắn kết với nhân viên và giữ chân họ được lâu dài hơn”.


  • 23/08/2019 09:00
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1805