Chị Nguyễn Thị Hồng Tú, Giao dịch viên Điện lực Diên Khánh – Khánh Vĩnh, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa
Truyền “thông điệp” một cách nhẹ nhàng
Nếu ở trong hoàn cảnh bắt gặp hành động thiếu ý thức của đồng nghiệp, tôi sẽ cúi xuống nhặt rác lên, cười rồi nói: "Hôm qua em thấy chị lao công dọn vệ sinh về rất muộn, tội nghiệp chị cũng có con nhỏ mà rất nhiệt tình...”.
Tại Điện lực nơi tôi đang công tác, mỗi phòng làm việc đều có 01 thùng rác để ngay tại góc phòng. Cuối ngày, anh em trong phòng luân phiên nhau đem đi đổ ra thùng rác lớn được đặt bên ngoài hành lang của Điện lực. Chính vì vậy, ý thức "không xả rác nơi công cộng" được hình thành và thực hiện rất quy củ.
Trước đây cũng có tình trạng một số đồng nghiệp nam vứt tàn thuốc lá chưa đúng quy định. Sau vài lần góp nhẹ nhàng, điều này đã chấm dứt.
Anh Hồ Văn An, Công nhân vận hành Nhà máy Thủy điện Đăk Pône, Công ty CP Đầu tư Điện lực 3, Tổng công ty Điện lực miền Trung
Xả rác bừa bãi: “Hành động lạ” sẽ bị đấu tranh
Do Nhà máy áp dụng tiêu chuẩn 5S nghiêm ngặt, nên việc xả rác nơi công cộng rất hiếm khi xảy ra. Khi ai đó lỡ tay xả rác bừa đều bị anh em nhắc nhở, phê bình ngay. Việc đấu tranh chống lại những hành vi gây ô nhiễm, mất mỹ quan đều là “phản ứng chung” của mọi người, nên có tác dụng rất lớn.
Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức thực hiện một số phong trào dọn vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn huyện nơi chúng tôi công tác, để qua đó tuyên truyền, vận động người dân có ý thức giữ gìn môi trường văn minh, sạch đẹp hơn.
Anh Lê Tùng Lâm, Chuyên viên Ban Tổ chức và Nhân sự, Tổng công ty Điện lực miền Bắc
Đừng im lặng, hãy lên tiếng trước cái sai!
Khi gặp đồng nghiệp xả rác bừa bãi nơi công cộng, tôi sẽ góp ý thẳng. Nếu họ không chịu thay đổi, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo để xử lý nghiêm theo quy định để đồng nghiệp có ý thức hơn.
Bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ chính chúng ta và cả thế hệ mai sau. Còn về chuyện ý thức hay vô ý thức, khác nhau ở chỗ là biết nghĩ cho người khác. Một người vô ý thức chính là một người không biết nghĩ cho người khác. Tôi nghĩ rằng sở dĩ những chuyện không hay vẫn tồn tại và còn có chiều hướng gia tăng bởi một phần do thói quen “im lặng đáng sợ” của chúng ta. Điều đó vô tình khiến cái sai được đà lấn tới. Không hiếm gặp những tình huống mà “người trong cuộc” thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
Theo tôi, đã là người trẻ, chúng ta càng không nên thụ động, càng đừng như “rùa rụt cổ”, bởi nếu ai cũng sợ phản ứng, sợ bị mất lòng đồng nghiệp thì tất cả vẫn mãi dừng lại ở mức độ ca thán mà chẳng giải quyết được vấn đề. Thấy có người xả rác, nếu chỉ đơn thuần mang bịch rác bỏ vào nơi quy định thì mới giải quyết được phần ngọn. Điều cần thiết nhất (cái gốc) là để người ta nhận ra cái sai và không tái phạm. “Quả ngọt” của tuyên truyền giáo dục chính là giúp người làm sai biết nhận lỗi và sửa chữa.