Nghỉ trưa trên công trường - Có cần thiết?

Chứng kiến những khó khăn, vất vả của người công nhân vận hành lưới điện truyền tải hay người lao động trên những công trình xây dựng điện mới thấu hiểu, vì sao giờ nghỉ trưa dù ngắn ngủi nhưng vô cùng cần thiết với họ.

Anh Trần Kim Lực, Công nhân Đội quản lý ĐZ và TBA, Điện lực Hiệp Đức, Công ty Điện lực Quảng Nam

Nghỉ trưa giúp phục hồi sức khỏe

Do đặc thù công việc thường phải hoàn thành dứt điểm, đóng điện trước giờ nghỉ trưa, nên thời gian nghỉ trưa của công nhân vận hành lưới điện chúng tôi thường từ 11h40 - 13h.

Có trường hợp phải xử lý gấp sự cố, thời gian nghỉ trưa sẽ ít hơn, thậm chí là làm thông trưa luôn. Đối với cá nhân tôi, giờ nghỉ giữa ca hoặc nghỉ trưa rất quan trọng. Sau thời gian làm việc căng thẳng trên lưới điện, trên công trường, giờ nghỉ trưa sẽ giúp phục hồi sức khỏe, tái tạo sức lao động, đảm bảo tỉnh táo làm việc hiệu quả hơn trong buổi chiều. Về lâu dài cũng tốt cho sức khỏe công nhân, hiệu suất lao động sẽ cao hơn.

 

 

Anh Lê Việt Anh, Đội trưởng Đội truyền tải điện Mục Sơn,Truyền tải điện Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện 1

Cần được nghỉ trưa kể cả ngay trên tuyến

Với những người lính truyền tải điện, bữa cơm ăn vội ngay chân cột điện, hay những bữa ăn trưa đạm bạc “chan mưa, chan nắng” giữa núi rừng hoang vu không còn là việc xa lạ. Đặc biệt khi có sự cố hoặc thực hiện kế hoạch sửa chữa lớn, yêu cầu gấp về thời gian, chúng tôi thường phải làm thông trưa. Tôi đã từng tham gia xử lý nhiều sự cố do bão lụt, hệ thống lưới điện hư hỏng quá nhiều, lại ở những nơi hiểm trở, việc đi lại khó khăn. Những lúc đó thường phải ăn cơm hộp và nghỉ ngơi tại chỗ rồi tiếp tục công việc.

Theo tôi, việc nghỉ trưa rất quan trọng. Bởi sau những giờ lao động căng thẳng, mệt nhọc, nghỉ trưa giúp người lao động phục hồi sức khỏe, bổ sung năng lượng và đặc biệt có thời gian để chợp mắt dù chỉ vài phút, giúp cho tinh thần sảng khoái hơn. Vì vậy, ngay cả khi phải làm thông trưa, chúng tôi vẫn cố gắng dành thời gian ăn một chút gì đó hoặc uống tạm hớp nước ngay trên tuyến, hoặc có thể chia sẻ với nhau bằng việc nghỉ luân phiên trong ít phút, nhưng vẫn phải đảm bảo công việc đúng tiến độ, trả lưới, đóng điện đúng thời gian.

 

Anh Trần Vi Long, Đội trưởng Đội Quản lý đường dây, Công ty Điện lực Duyên Hải, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh

Hiếm hoi nhưng cần thiết

Thời gian tham gia xây dựng công trình tuyến cáp ngầm 22 kV cấp điện cho ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạch An, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh đối với tôi, là một hành trình đầy gian nan, thử thách. Công trình được thực hiện hơn 30 ngày đêm, trong điều kiện thi công khó khăn, băng rừng đước, vượt sông, sóng to, gió lớn, thời gian thi công hạn hẹp...

Việc có được giờ nghỉ trưa trên công trường là vô cùng hiếm hoi. Đặc biệt, khi thi công dây băng rừng, không khí làm việc ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp, khẩn trương, dù đã vào giờ nghỉ trưa, nhưng công nhân, kỹ sư ai cũng chăm chú vào công việc của mình. Bước vào giai đoạn nước rút, cán bộ, công nhân hầu như làm việc xuyên suốt ngày đêm, có khi ăn vội cơm hộp ngay tại công trình, tìm bóng mát rồi mắc võng nằm, ai cũng chỉ tranh thủ nghỉ ngơi  5-10 phút rồi lại bắt tay ngay vào công việc.

Bù lại, bà con ấp đảo cũng rất thương anh em thợ điện. Gần như bữa trưa nào trên tuyến, anh em thợ điện chúng tôi cũng được bà con nấu cơm cho ăn. Nghĩ tới đó thôi, chúng tôi lại cố gắng làm việc hăng say hơn, đảm bảo tiến độ, sớm đóng điện cho bà con.


  • 13/06/2017 02:15
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2840