Thận trọng, công tâm khi giao tiếp nơi công sở

Trong giao tiếp với đồng nghiệp nơi công sở, phải luôn tỉnh táo, công tâm, dù đó là những người mình coi là chí cốt.

Về cơ bản, công sở là nơi tập hợp nhiều người mà ông cha ta ngày xưa đã từng đúc kết: Bách nhân, bách tính. Mỗi người trong cơ quan, công sở đều có cá tính và sở thích riêng, không ai giống ai. Tuy nhiên, đã về chung một mái nhà cơ quan, tổ chức, mọi người cần phải hạn chế bớt sở thích của mình, tập trung trí tuệ, công sức xây dựng tập thể ngày càng lớn mạnh. Có điều, trong mối quan hệ giữa người với người, không phải cái gì cũng tuồn tuột nói ra bằng hết mới là tốt với nhau. Ở đây, dù là bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, cũng phải suy nghĩ, nghĩa là phải uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói.   

Tôi đã chứng kiến nhiều chuyện không hay từ cái gọi là tình nghĩa nơi công sở. Chị V và chị L cùng phòng chơi thân với nhau. Chuyện gì hai chị cũng đều tâm sự, từ chuyện gia đình đến những bức xúc trong công việc. Cho đến một ngày, “tình bạn” này bỗng tan vỡ như bong bóng xà phòng vì chị V phát hiện ra chị L đem chuyện bí mật của mình kể với người thứ ba.

Những nội dung trao đổi liên quan đến người thứ 3 thường để lại những “hậu quả” khó lường, khi nó được bung ra trong dư luận thì “lời nói gió bay ấy” trở thành phiền toái cho cả người nói, người nghe và cả đối tượng được đề cập đến.

Phức tạp nhất là chuyện bí mật của cơ quan, những điều còn trong dự định của cá nhân lãnh đạo… Những thông tin về đề bạt, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật… khi chưa được tổ chức công bố, đôi khi được “tung ra” như câu chuyện làm quà… thôi thì mặc sức mà thiên biến vạn hóa, thổi phồng, hư cấu…

Công sở không phải môi trường gia đình, nên không thể “lầm tưởng” mà đòi hỏi người khác phải yêu thương mình vô điều kiện; nên đôi khi cũng phải chấp nhận chuyện bị nói xấu sau lưng, lộ bí mật. Biết thế để mỗi người nên cân nhắc khi chia sẻ, giao tiếp với đồng nghiệp nơi công sở.

Mặc dù vậy, vẫn cần phải cởi mở với mọi người, đóng góp, thăm hỏi, giúp đỡ đồng nghiệp khi cần thiết, tạo cho mình một “hành lang” vững vàng để có thể tự tin vươn lên cống hiến hết sức mình cho cơ quan mà không bị những tình cảm riêng tư, hay những phiền hà ràng buộc, hoặc chi phối.

Trong cuộc sống, bạn hoàn toàn có thể có những người bạn chí cốt, giúp đỡ bạn mà không cần “hồi đáp”, bênh vực bạn khi có người chỉ trích,… nhưng liệu có thể có một tình bạn thân thiết nơi công sở hay không thì quyền quyết định hoàn toàn thuộc về bạn.


  • 11/10/2016 10:17
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2691