Đi tình nguyện giúp tôi trưởng thành

Đằng sau 2 chữ “tình nguyện” là những điều lớn lao hơn  vật chất và sự tính toán.

Đoàn Thanh niên Cty Lưới điện cao thế miền Bắc mang gạo đến với người dân vùng lũ Hương Sơn, Hà Tĩnh năm 2013.

Tôi nhớ, tháng 11/2013, quê tôi - miền gió lào, cát trắng - vẫn còn là một biển nước dài.  Không hẹn mà đến, bão lũ cứ kéo về, quét sạch mọi thứ.  Làng xóm tiêu điều, xác xơ cũng vì bão.

“Nước ngập thế này, rau cỏ cũng có trồng được đâu mà ăn?” - tiếng ai đó khẽ thở dài.

Cả nước đều hướng về miền trung ruột thịt, cầu mong cho “khúc ruột” mình nhanh chóng vượt qua sự tàn phá của thiên tai.

Năm ấy, Đoàn Thanh niên Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đã kêu gọi ủng hộ từ toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty, cho miền Trung.

2 tấn gạo, 1 nghìn cuốn vở viết và một số lượng lớn quần áo đã qua sử dụng nhưng còn tốt đã được Đoàn chuyển đến những người dân ở Hà Tĩnh. 

Dọc đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều xe chở hàng cứu trợ từ khắp các tỉnh phía Bắc vào với miền Trung, mang theo dòng chữ “Chung tay vì miền Trung ruột thịt”.

Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn thấy dòng chữ ấy trên mỗi chuyến xe. Đó là lúc tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết về nghĩa tình đồng bào thiêng liêng, về tình người ấm áp.

Trong chuyến thiện nguyện của đơn vị mình, chúng tôi đến xã Sơn Hà, một xã nghèo của huyện Hương Sơn. Sơn Hà đang cố gắng gượng dậy sau sự tàn phá của 2 cơn bão. Thời điểm ấy, nơi này được đánh giá là vùng ngập nặng nhất của Huyện.

Đoạn đường từ thành phố Hà Tĩnh lên Hương Sơn chỉ 70 km nhưng bị bão làm sạt lở, hàng trăm ổ gà, ổ voi khiến hành trình trở nên khó khăn, có lúc làm cho bánh xe chệch cả hướng lái.

Khi chúng tôi đến nơi, trời mỗi lúc một nặng hạt. Mưa khiến khung cảnh càng thêm ảm đạm. Những đồng ruộng trắng xoá nước, những mái nhà chỉ mới được sửa tạm bợ,… trong “trận chiến” không cân sức ấy, người dân phải chịu quá nhiều đau thương.

Xe của Đoàn ghé vào Trường Tiểu học Sơn Hà cũng đúng giờ tan tầm để tặng 1.000 cuốn vở cho các em. Sau bão, cái gì cũng thiếu. Vậy nên, các thầy cô giáo và các em nhỏ trong Trường đã vô cùng xúc động.  

Còn 2 tấn gạo, chúng tôi chia thành 200 suất quà cho người dân. Họ xúm vào giúp chúng tôi vác những bao gạo xuống xe. Tình người ấm áp khiến mỗi gương mặt đã trở nên tươi tắn hơn.

Trong những câu chuyện góp nhặt, không ai kể lại chuyện bão lũ vừa qua. Người ta chỉ nói về việc sẽ trồng mới ngô khoai, rằng ruộng đồng sẽ sớm tốt tươi trở lại.

Bác nông dân lớn tuổi đứng kế bên tôi trong “dây chuyền” chuyển gạo thủ thỉ: “Cũng may có các cơ quan đoàn thể giúp đỡ chứ không thì bà con cũng nỏ biết xoay xở à răng. ..”

Rồi giọng bác nghẹn ngào: “Hy vọng sau ni, thiên tai, bão lũ đừng vô quê mình nựa, để các bác không phải ngóng chờ sự giúp đỡ của các đoàn cứu trợ như  ri”.

Tôi vội lén quay đi lau nước mắt.

Là đoàn viên, tôi cũng từng tham gia nhiều chuyến đi tình nguyện, từ kêu gọi quyên góp ủng hộ, rồi đến tận nơi, trao tận tay những phần quà hảo tâm cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi chuyến đi đều cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi thấy mình trưởng thành hơn và hiểu ra nhiều giá trị sống – những điều mà trong sách vở chưa chắc tôi đã đủ thấu hiểu nếu không được trải nghiệm.

Đó là nỗi đau, sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, hay bật khóc trước những ước mơ tưởng chừng như đơn giản mà họ không thể nào thực hiện được.

Cũng có thể là niềm vui sướng tột cùng khi thấy các em nhỏ hân hoan với những món quà do đội tình nguyện mang đến.

Lúc ấy, mọi khó khăn trong cung đường ghồ ghề khó đi cũng tan biến. Cơn đói, mệt bởi vất vả cả ngày nhưng chỉ có chiếc bánh mỳ và hộp sữa cầm hơi cũng không phải là điều gì to tát nữa.

Nếu ai đó “tính toán” rằng: Làm tình nguyện là phải cống hiến cả thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc, công sức... thì chưa hẳn đúng, vì thứ bạn nhận được còn nhiều hơn thế. Đó là giá trị sống, là tình người đẹp đẽ.

Một khi bạn trao đi yêu thương, bạn sẽ nhận được điều lớn hơn như thế.


  • 24/03/2016 06:56
  • Hoàng Hồng Nhung
  • 1647


Gửi nhận xét