Thợ điện vùng sông nước: Những điều còn trăn trở

Không thể khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp điện trở lại cho người dân vào thời điểm thủy triều rút hay một ngày không ghi được hết chỉ số công tơ của các hộ dân trên cùng một con rạch, ảnh hưởng đến công tác kinh doanh của đơn vị… là những điều mà thợ điện vùng sông nước luôn trăn trở.

Anh Trần Đắc Thắng

Anh Trần Đắc Thắng – Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp Viên An Đông, Điện lực Ngọc Hiển, Công ty Điện lực Cà Mau:

Một ngày không ghi được hết chỉ số công tơ của các hộ dân trên cùng một con rạch”

Hiện nay, Đội quản lý tổng hợp Viên An Đông chỉ có 5 công nhân, quản lý vận hành 200 km đường dây trung thế, 500 km đường dây hạ thế, 90 TBA công cộng và 3 TBA chuyên dùng phục vụ khách hàng lớn. Do đặc thù địa hình phần lớn là sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền, xuồng, vỏ (cách gọi của người dân Nam Bộ chỉ một phương tiện tương tự như thuyền - PV).
 
Nhân lực ít, cộng với những hạn chế về mặt thời gian do phụ thuộc vào mực nước thủy triều lên và rút xuống trong ngày, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành, kinh doanh mua bán điện trên địa bàn. Cụ thể, công nhân đi ghi chỉ số công tơ phải “canh” theo “con nước”, tránh thời gian nước sông, rạch bị “gồng” (thời điểm thủy triều rút - PV) để thuyền không bị mắc cạn. Vì vậy, trong một ngày công nhân không thể ghi được hết chỉ số công tơ và thu tiền điện của tất cả khách hàng trên cùng một con rạch. Đó còn chưa kể đến những khó khăn khi trụ, dây điện bị cây rừng vướng vào hoặc gặp dòng nước xoáy làm lở trụ, đứt dây neo gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố. 
 
Mặc dù công tác ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện gặp nhiều khó khăn, song có một điều thuận lợi đó là người dân luôn nộp tiền điện đầy đủ. Trường hợp không gặp được cán bộ Điện lực, người dân sẽ chủ động đến các điểm thu hộ tiền điện để nộp tiền. Đây là động lực rất lớn để mỗi người thợ điện sông nước chúng tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục “bám đất, bám nghề”.
 

Anh Nguyễn Thanh Thuấn 

Anh Nguyễn Thanh Thuấn - Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp Đất Mũi, Điện lực Ngọc Hiển, Công ty Điện lực Cà Mau:

Không thể khắc phục sự cố kịp thời nếu rơi vào thời điểm thủy triều rút” 

Đất Mũi là khu vực phụ tải cuối nguồn của hệ thống điện Việt Nam. Toàn bộ khu vực này chỉ có 20 km đi bằng đường bộ, còn lại đi bằng đường thủy. Trong khi đó, 4 công nhân Đội quản lý tổng hợp Đất Mũi phải quản lý 70 km đường dây trung thế, 80 km đường dây hạ thế. Nếu như công tác quản lý, vận hành kinh doanh mua bán điện đã khó 1 thì việc khắc phục sự cố lại khó 10, đặc biệt vào thời điểm thủy triều rút. 
 
Khi đó, mỗi công nhân của Đội phải thường xuyên theo dõi mực nước trên sông, rạch, tranh thủ thời gian khi nước vừa lên để kịp thời đi khắc phục sự cố. Đối với những con kênh, rạch nhỏ có thể lội bộ, công nhân sẵn sàng để lại thuyền, lội bộ vào xử lý sự cố, sớm cung cấp điện trở lại cho người dân. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm sự cố khu vực lưới điện miền sông nước cũng gặp nhiều khó khăn do phải băng rừng, băng sông, đi quan đầm, sình lầy hay khu vực không có dân cư.
 
Vì vậy, dù có cố gắng thế nào, nhưng nếu không có sự động viên, hỗ trợ và cảm thông của người dân nơi đây, thì những người thợ điện vùng sông nước như chúng tôi rất khó hoàn thành nhiệm vụ. 
 


  • 08/12/2015 02:35
  • Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1515


Gửi nhận xét