Hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong ngành Điện: Làm thế nào để ngày càng thiết thực?

“Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của ngành Điện. Các đơn vị ngành Điện khắp mọi miền Tổ quốc đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để chăm lo, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Những nghĩa cử tốt đẹp ấy góp phần giáo dục truyền thống cho CBCNV, nâng cao lòng yêu nước, yêu nghề, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn.

Tuy nhiên, để hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, tôi xin góp một số ý kiến sau:

- Nên xây dựng tượng đài Liệt sĩ ngành Điện: Hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Điện đã có nhiều công trình trên khắp mọi miền đất nước. Rất nhiều CBCNV đã nằm xuống trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng trăm công nhân đã ngã xuống dọc đường dây 500 kV và trên các công trình thủy điện, nhiệt điện... vì dòng điện sáng. Những tấm gương liệt sĩ ngành Điện đã được khắc sâu trong tâm khảm của nhân dân,  người lao động ngành Điện.

Vì vậy, theo tôi, nên xây dựng Tượng đài liệt sĩ ngành Điện, để qua đó giáo dục lịch sử, lòng biết ơn, tự hào và thôi thúc các thế hệ sau phấn đấu tốt hơn nữa trong thực thi văn hóa, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tất nhiên, việc xây dựng Tượng đài liệt sĩ ngành Điện cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương, xã hội hóa nguồn vốn và chọn lựa những không gian phù hợp, mang tính thẩm mỹ và giáo dục cao, tôn lên niềm tự hào của toàn dân, không chỉ là CBCNV ngành Điện.

- Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa cần có sự tham gia trực tiếp của đông đảo CBCNV: Tôi nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết “Đừng tưởng bạn đến nghĩa trang để thắp hương cho ấm lòng liệt sĩ. Không! Bạn hãy đến đó để được các liệt sĩ thắp lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng đã nguội lạnh trong lòng bạn từ lâu”. Hiện nay, các đơn vị cũng đã phối hợp với công đoàn tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng… Tuy nhiên, cần tổ chức rộng rãi hơn nữa, không chỉ cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên mà ngay cả những công nhân trực tiếp cũng được tham gia hoạt động này. Ngoài ra, kinh phí phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, quỹ xây nhà tình nghĩa, quỹ hỗ trợ khó khăn cho gia đình chính sách … cũng nên công khai nội dung, đối tượng cần hỗ trợ để vận động CBCNV tham gia. Tổ chức đóng góp trực tiếp, tự nguyện từ CBCNV, người lao động. Tự tay họ ký, trích nộp từ thu nhập cá nhân của mình hằng tháng để tham đóng góp vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa của đơn vị sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều.  

 - Tổng kết đánh giá của toàn ngành về hoạt động đền ơn đáp nghĩa hằng năm: Các đơn vị trong toàn ngành đều tích cực hoạt động từ thiện xã hội. Nguồn kinh phí cho hoạt động này không phải nhỏ, tuy nhiên cần có tổng hợp, đánh giá chung trong toàn ngành để có cái nhìn tổng quát và sự chỉ đạo chung.

Cứ đến ngày 27/7, chúng ta lại hướng lòng về với các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đưa công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng thiết thực, hiệu quả - một nội dung quan trong trong xây dựng văn hóa EVN.

(Ý kiến của ông Tướng Văn Thuận - cán bộ hưu trí Công ty Điện lực Bình Định)

Bắt đầu từ năm 1947, ngày 27 tháng 7 hàng năm được Nhà nước chọn là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Trong thư gửi nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ  toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy .

Từ năm 1947 đến nay, chính sách đối với Thương binh, liệt sĩ và các gia đình có công với nước đã được Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán và ngày càng được hoàn thiện theo từng giai đoạn phát triển đất nước. Đến nay, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng cho khoảng 45.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tổng số người có công với nước được nhận quà của Chính phủ khoảng 1,7 triệu người.   Tuy nhiên, do Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, mức trợ cấp, phụ cấp và quà tặng còn hạn chế. Vì vậy, rất cần sự chia sẻ, cảm thông của xã hội, cần thêm các nguồn tài chính ngoài Ngân sách Nhà nước.

Tháng 7 này, VHDN và các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) của các tập đoàn, DN của nước ta đều hướng theo đạo lý uống nước nhớ nguồn và đền ơn đáp nghĩa. Một số tập đoàn, DNNN đã đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ ở 3 miền đất nước, thăm các cơ sở thương binh và các gia đình chính sách, động viên, trao học bổng, tặng nhà tình nghĩa… Đây là những nghĩa cử nhân văn, được tổ chức nề nếp, thu hút được sự tham gia tự nguyện của nhiều cấp lãnh đạo, các cá nhân, tổ chức và đoàn thể quần chúng, trở thành nét đẹp truyền thống của VHDN của Việt Nam. EVN là một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước. Nhiều CBNV của EVN đã hy sinh hay  mất đi một phần xương máu trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoặc trên các công trình xây dựng điện trong thời bình. Làm việc trong thời bình trên các công trình điện xa xôi, hẻo lánh, xa nơi phồn hoa đô hội với công việc nặng nhọc, phức tạp và nguy hiểm, sự hy sinh, mất mát, thương tật đối với người lao động là không thể tránh khỏi.

Bởi vậy, EVN cần chú ý trước hết tới các đối tượng chính sách có công với nước trong ngành Điện, dành cho họ sự tôn vinh và chăm sóc xứng đáng, nhất là các đối tượng là công nhân, người lao động, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Chính sách uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa với những người có công với nước ở trong và ngoài ngành Điện cần phải trở thành nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc và truyền thống của EVN. Đây cũng cần là một trong số mục tiêu chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của EVN.

(PGS.TS Đỗ Minh Cương - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội)

 


  • 12/08/2015 10:19
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1868


Gửi nhận xét