Không nên cứng nhắc trong cách xưng hô nơi công sở

Tôi nghĩ không nên áp đặt một quy tắc cứng nhắc về cách xưng hô nơi công sở, bởi điều đó có thể khiến các mối quan hệ trong cơ quan phần nào bị khiên cưỡng, gượng ép...

Con gái tôi vừa đi làm về đã tìm tôi tâm sự :

- “ Mẹ ơi, con đi làm buổi đầu tiên đã bị Sếp quở rồi!”.

- Thế nào, con gái nói mẹ nghe đi!.

- Con mang công văn lên phòng Sếp và nói rất lễ phép: “Cháu chào chú, cháu gửi chú những công văn cần ký ngày hôm nay ạ!”.

- Sếp ngẩng đầu nhìn con: “Ai bà con gì với cô ở đây mà chú với bác?”.

- Tôi nhẹ nhàng nói với con: Chắc sếp con nói vui vậy thôi. Nhưng ở cơ quan thì con cứ gọi là “anh”, xưng “em” cũng được.

- Con ngượng lắm mẹ ạ! Không được đâu! Chú ấy bằng tuổi bố mà mẹ!.

Sếp của con tôi là vậy! Nhưng tôi biết cũng không ít trường hợp có người đứng tuổi nghe gọi mình bằng “anh”, bằng “chị” thì lại phản ứng: - “Tôi bằng tuổi cha, tuổi mẹ của cô đấy, liệu mà xưng hô”.

Kể ra cũng khó thật! Xem ra, chỉ có chuyện xưng hô sao cho hợp lý trong cơ quan thôi mà cũng “chín người - mười ý” rồi. Xã hội Việt Nam vẫn tồn tại ý thức lễ giáo từ thời phong kiến, có trên có dưới, mọi thứ phải “có đầu có đũa". Lễ giáo ấy đã ăn sâu, bám rễ vào các thế hệ, truyền từ đời này sang đời khác, không dễ bỏ đi trong ngày một ngày hai và không đơn giản như cách xưng hô của người phương Tây, chỉ  có đại từ nhân xưng “I, you”. Không phải chỉ ngượng miệng đâu mà ngượng cả trong ý thức khi xưng hô không đúng trong giao tiếp xã hội ở Việt Nam. Con gái tôi nói có lý: Ngượng lắm, khi phải gọi “anh” với một người trạc tuổi cha mình.

Vậy nên, văn hóa doanh nghiệp cần thiết phải chọn ra được cách xưng hô thống nhất, tạo sự bình đẳng, đơn giản, tiện lợi  trong quan hệ công tác. Có người đề xuất, trong cùng cơ quan cứ gọi: “Anh, chị”, xưng “tôi, chúng tôi” là ổn nhất. Trong quân đội hay khi họp Đảng thì xưng hô “đồng chí” là được rồi. Thật ra, tôi nghĩ không ổn chút nào! Ví như trong giao tiếp với khách hàng ngành Điện chẳng hạn, một nhân viên trẻ không thể gọi “anh” xưng tôi đối với 1 cụ về hưu. Văn hóa giao tiếp ở xã hội Việt Nam không cho phép như vậy! Nội bộ cơ quan thì “gượng” một chút cũng chấp nhận được. Cán bộ lớn tuổi trong cơ quan thường phấn khởi khi được “trẻ hóa” bằng tiếng gọi anh, gọi chị , xưng “em” nhưng còn tùy từng người, không phải ai cũng “thích” cách xưng hô này.

Từ những phân tích trên, tôi mạnh dạn đề xuất: Cách xưng hô trong cơ quan không thể tách rời văn hóa truyền thống, văn hóa của xã hội Việt Nam. Phải có sự hài hòa, không mang tính ràng buộc. Trước mắt cần tạo thói quen gọi bằng “anh, chị”, xưng “tôi” trong quan hệ công tác. Đối với người lớn tuổi có thể gọi bằng “cô, chú” xưng “cháu”. Bỏ các cách xưng hô: Ông, bác, cậu, mợ hay thím, u... như trong gia đình. Tùy trường hợp, đối tượng quan hệ và thái độ quan hệ mà chọn cách xưng hô một cách linh hoạt để đạt được cái đích là tôn trọng và văn minh lịch sự.

Tôi nghĩ không nên áp đặt một quy tắc cứng nhắc về cách xưng hô nơi công sở, bởi điều đó có thể khiến các mối quan hệ trong cơ quan phần nào bị khiên cưỡng, gượng ép...


  • 27/07/2015 12:00
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1639


Gửi nhận xét