Có nên tặng quà Tết cho sếp?

Sau khi đưa ra chủ đề thảo luận: Một đồng nghiệp của tôi thắc mắc, tại sao cứ Tết đến lại phải biếu quà, trong khi món quà tốt nhất là hãy cứ làm tốt công việc của mình, đóng góp vào thành tích chung của cơ quan, doanh nghiệp. Quan điểm của anh chị như thế nào về vấn đề này?, BBT đã nhận được ý kiến trao đổi của độc giả Văn Bình, nội dung như sau:

Về việc tặng quà, tôi nhớ một câu chuyện nhỏ, đại ý là: Con gái học lớp 4 nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ mua quà để con đi thăm cô giáo lớp 3 của con bị ốm. Mẹ nói: “Bây giờ con học lớp 4 rồi, tặng quà cho cô giáo lớp 3 làm gì?”.

Thế đấy, người mẹ đã gieo vào tâm hồn trong trắng của trẻ thơ ý tưởng thực dụng của người lớn. Không biết em có hiểu ý “làm gì?” của bà mẹ không? Nhưng rõ ràng, cách giáo dục trẻ thơ như vậy sẽ góp phần tạo nên thế hệ trẻ thực dụng, toan tính: Tặng quà phải kèm theo điều kiện nhờ vả gì đó. Cứ tạm gọi là tặng quà phải có mục đích, có điều kiện.

Ảnh minh họa

Tặng quà cho người thân, cha mẹ, ông bà nhân dịp Tết đến, xuân về, quà cưới, quà sinh nhật… là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi người, mỗi nhà, món quà gói trọn tình cảm chân thành, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, quý trọng đối với người trên, hay với bạn bè, đồng nghiệp với động cơ hết sức trong sáng.

 “Đầu năm đi lễ con gà trống, ngày Tết mùng năm thúng đậu xanh”, con gà, nải chuối trong phong tục tập quán của xã hội Việt Nam từ xa xưa nói lên cái tình, cái nghĩa “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”.

Nhưng ở thời buổi kinh tế thị trường này, khi “đồng tiền đi liền khúc ruột,” việc tặng quà cho thủ trưởng, cho cấp trên, gọi chung là “sếp” liệu có làm lu mờ ý nghĩa tốt đẹp truyền thống của người Việt Nam không?

Không khó để thấy những món quà núp dưới vỏ bọc tình cảm để “lại quả” cho công trình nào đó, quà để được chiếu cố đưa vào chức vụ này hay chức vụ khác, để mong được tuyển dụng, để được suôn sẻ không bị “chiếu” trong công việc... Những món quà như vậy, nhiều khi không cần đợi lúc Tết đến, xuân về, nó xuất hiện bất cứ thời gian nào thấy cần, thấy thích hợp nhất. Tuy nhiên, dịp lễ, Tết là thời điểm thuận lợi và dễ biếu hơn cả. Tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra động cơ của những người biếu quà Tết.

Không có luật nào cấm tặng quà cho sếp khi Tết đến, xuân về. Nhưng lương tâm và tình cảm mách bảo chúng ta phải biết tôn trọng sếp, đừng để những món quà ấy đi kèm một điều kiện nào đó. Tết này, hãy đến thăm thủ trưởng, các đồng nghiệp đã nghỉ hưu, hay đang gặp khó khăn trong cuộc sống, đau ốm, tuổi già. Hãy đến với những công nhân đang hy sinh sự đoàn tụ gia đình, ngày đêm bảo vệ lưới điện trên chốt, tại các trạm để đảm bảo điện cho nhân dân ăn Tết vui vẻ. Món quà tinh thần luôn là món quà đáng quý nhất, và thể hiện một cách rõ nét văn hóa doanh nghiệp.


  • 26/01/2015 10:05
  • Văn Bình
  • 2760


Gửi nhận xét