Ảnh minh họa
|
Những ngày đầu tiên đi làm tại Công ty, cùng các tài liệu, quy trình quy định liên quan đến vị trí công tác, tôi được “trang bị” một cuốn sổ tay nhỏ có thể mang bên người có tên “Văn hóa EVNCPC”. Nghe đến văn hóa, tôi lập tức hình dung đến nghĩa của từ này thông qua những khái niệm cơ bản nhất từng được học.
Lúc nhỏ, bố mẹ chỉ dạy phải lễ phép với người lớn, không được bắt nạt bạn bè, đó là có văn hóa. Khi còn đi học, trên cổng trường trang trọng sơn dòng chữ đỏ “Tiên học lễ - Hậu học văn” như ngầm hiểu sự quan trọng của lễ nghĩa và cũng là một phần văn hóa đối với học sinh. Sau này lớn hơn, khái niệm đó được mở rộng đến từng mối quan hệ, từng lĩnh vực của cuộc sống và đều hướng chúng ta biết ứng xử trong từng tình huống sao cho phù hợp với vị trí, hoàn cảnh, tuổi tác...
Nhưng điều tôi vẫn băn khoăn là văn hóa ở nơi tôi làm việc có gì khác biệt để được nhắc đến với danh từ riêng “Văn hóa EVNCPC”?. Từ thắc mắc đó, tôi dành thời gian đọc kỹ từng mục trong sổ tay. Đọc và ngấm dần. Hóa ra cũng có nhiều nét tương đồng đối với khái niệm văn hóa tôi từng biết nhưng danh từ này đã được đặt trong một phạm vi cụ thể hơn, từ ứng xử nội bộ, ứng xử với khách hàng cho đến quan hệ đối tác. Đọc xong tài liệu, người đọc dễ dàng tiếp cận và áp dụng.
Qua thời gian làm việc, tôi càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng và sự quan tâm của ngành Điện đối với việc thực thi văn hóa. Tại đơn vị tôi công tác, trong các cuộc thi dành cho đối tượng làm công tác giao tiếp khách hàng được tổ chức hằng năm luôn luôn lồng ghép nội dung liên quan đến văn hóa tại nơi làm việc. Trong đó, cách ứng xử với đồng nghiệp, lãnh đạo, đối tác, khách hàng đều được phân tích và đặt trong các tình huống, câu hỏi tại các hội thi. Vì vậy, có thể nói thực thi văn hóa, hiểu rõ khái niệm văn hóa để áp dụng không phải là việc làm được trong ngày một ngày hai mà cần được tích lũy dần dần.
Văn hóa doanh nghiệp gắn liền với hầu hết các mặt hoạt động. Đối với mỗi cá nhân, mỗi bộ phận, văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở những giác độ khác nhau. Với người công nhân, thực thi văn hóa là thực hiện đúng các quy tắc ứng xử, giao tiếp cho đến tuân thủ quy phạm, quy trình trong công việc, đảm bảo an toàn trong công tác; với cán bộ làm công tác kỹ thuật, văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở chỗ phải đảm bảo cấp điện tin cậy cho khách hàng với các chỉ số MAIFI, SAIFI, SAIDI; với nhân viên kinh doanh là đảm bảo doanh thu, hay thái độ ân cần hòa nhã với khách hàng đến liên hệ công tác… Những "miếng ghép" tưởng như riêng biệt đó khi ghép lại với nhau tạo thành "bộ mặt chung" của đơn vị, giúp người ngoài dễ dàng nhận diện được. Đó cũng là mục tiêu thực thi văn hóa doanh nghiệp ở Công ty Điện lực Đắk Lắk.
Xã hội càng phát triển, ngành Điện với những đóng góp to lớn cho phát triển dân sinh vẫn từng bước cố gắng thoát khỏi định kiến “độc quyền”. Có thể nói xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là một trong những phương cách giúp xóa bỏ định kiến đó. Chắc chắn với thái độ làm việc nghiêm túc, tận tình, CBCNV luôn lịch sự, giải quyết công việc thấu đáo, chuyên nghiệp, hình ảnh của Ngành trong mắt người dân sẽ ngày một tốt hơn, văn hóa DN sẽ ngày một nâng cao.
Tại Công ty Điện lực Đắk Lắk, trong những năm qua, ngoài việc áp dụng các quy tắc ứng xử của Ngành, của Tổng công ty, đơn vị cũng đã xây dựng Cẩm nang văn hóa ứng xử trong nội bộ Công ty. Nội dung trong đó vẫn đảm bảo phù hợp với từng mục trong bộ quy tắc chung nhưng được chi tiết, cụ thể hóa cho phù hợp với thực tế đơn vị.
Tuy chưa có nhiều thời gian công tác trong nghề nhưng với tôi, văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm không còn xa lạ nữa. Mỗi người đều có thể thực hiện nó bằng những việc làm đơn giản như cái bắt tay hay cử chỉ chào hỏi thân mật. Từ việc thực thi văn hóa của cá nhân sẽ nhân rộng đến từng tập thể, góp phần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp hơn.