Nhận xét, đánh giá về đồng nghiệp: Sao cho thấu tình đạt lý?
Trong công việc , nhiều khi bạn phải đưa ra nhận xét về đồng nghiệp. Nhận xét một cách khéo léo, tinh tế, mang tính xây dựng sẽ giúp cho người được nhận xét dễ tiếp thu, sửa chữa là cả một nghệ thuật. Phóng viên TCĐL đã ghi lại ý kiến của một số CBCNV ngành Điện xung quanh chủ đề này.
Ông Nguyễn Thọ Dũng
|
Ông Nguyễn Thọ Dũng – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Liên Chiểu - Công ty Điện lực Đà Nẵng: Phải công khai và chân thành
Là một đơn vị đang thực hiện văn hóa doanh nghiệp, CBCNV Điện lực Liên Chiểu đều phải tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực đạo đức đã ban hành. Việc nhận xét đánh giá CBCNV được thực hiện một cách công khai, rõ ràng, trên tinh thần xây dựng, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ.
Nhận xét, đánh giá đồng nghiệp, theo tôi, cần sự chân thành, khách quan, không nên phiến diện, một chiều vì rất dễ gây hiểu lầm. Ông bà ta có câu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, trong nhận xét đánh giá đồng nghiệp cũng cần chọn những từ ngữ có chừng mực, đúng người, đúng việc. Không bới móc, dè bỉu những việc chưa tốt của người khác, mà cần góp ý để người được nhận xét, góp ý sớm nhận ra vấn đề, từ đó sẵn sàng tiếp thu, tìm cách khắc phục, sửa chữa, nếu nhận xét, đánh giá đó là đúng. Đồng thời, theo tôi, phải chú ý việc lựa chọn thời điểm và hoàn cảnh góp ý để nhận xét đánh giá có tính thuyết phục, quan trọng là phải hiểu được tâm lý, tính cách của đồng nghiệp để lời nhận xét, góp ý được tiếp nhận một cách thoải mái nhất, không gây ra tâm lý bất mãn, ghét bỏ từ phía người được nhận xét.
Ngoài ra, nhận xét, đánh giá cần được trao đổi công khai, có người nói - người nghe, có nhân vật, sự việc đang được đề cập. Lời nhận xét đánh giá có trở thành lời nói xấu sau lưng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của ngườigóp ý, nhận xét. Vì vậy, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra, gây mất đoàn kết trong đơn vị, người nhận xét phải cân nhắc thật kỹ và hạn chế những nhận xét theo hướng tiêu cực, nhất là khi người được nhận xét không có mặt.
Bà Hoàng Thu Hường
|
Bà Hoàng Thu Hường – Thường trực Văn phòng Đảng ủy Công ty Điện lực Đà Nẵng: Cần dựa trên thông tin nhiều chiều
Từ khi Lãnh đạo Công ty ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức người thợ điện Đà Nẵng và quy tắc ứng xử, hầu hết CBCNV đều nhận thức và xác định được văn hóa ứng xử phù hợp, trong đó có văn hóa nhận xét, đánh giá đồng nghiệp. Hiện nay, tôi thấy tại đơn vị cấp trên đánh giá, nhận xét cấp dưới, hoặc đồng nghiệp nhận xét lẫn nhau ngày càng xác đáng, có căn cứ, hạn chế được việc đánh giá chung chung, quy chụp. Theo đó, đã hạn chế được tình trạng đánh giá đồng nghiệp theo cảm tính, dễ gây mâu thuẫn và dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.
Khi nhận xét về đồng nghiệp, trước tiên cần phải căn cứ vào thông tin nhiều chiều. Nhận xét, đánh giá phải đúng lúc, đúng chỗ. Cách nhận xét, đánh giá phải thể hiện được sự chân thành, khách quan, mang tính xây dựng. Để có được những lời nhận xét đúng, đóng góp tích cực cho đồng nghiệp, theo tôi trước hết bản thân người góp ý cần phải có trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm với lời nói của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên Văn phòng, Công ty Truyền tải điện 1: Người nhận xét và người được nhận xét đều có lợi
Theo tôi, khi nhận xét, đánh giá về đồng nghiệp, nếu bạn biết chọn phương thức phù hợp, cả người nhận xét, đánh giá và “người được nhận xét” sẽ được nhiều thứ. Từ đó, sẽ giúp người được nhận xét điều chỉnh thói quen, lối sống, việc làm chưa đúng, chưa hay, hình thành và xây dựng được những thói quen, lối sống, việc làm đúng, đẹp, lành mạnh, trong sáng. Đương nhiên, với một tinh thần tích cực như vậy, “người nhận” cũng không thể giận dỗi, mặc cảm. Từ đó, sẽ hiểu nhau hơn, gắn kết, yêu thương, nhắc nhở nhau cùng tiến bộ và góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, nếu bạn chọn phương thức không phù hợp, thêm nữa việc gì cũng nhận xét, cái gì cũng đánh giá thì người được nhận xét sẽ cảm thấy bị tổn thương và có thể phản ứng tiêu cực. Thiết nghĩ, việc chọn thời điểm phù hợp để góp ý là rất quan trọng. Nói khi nào? Lúc nào? Với thái độ trung thực, chân thành, với tinh thần xây dựng, đầy thiện chí, tin rằng, những góp ý đó sẽ làm cho người được góp ý, được nhận xét dễ tiếp thu, sửa chữa.