Trước hết, cần khẳng định rằng văn hóa truyền thống của Việt Nam rất coi trọng lời chào, coi đó là sự mở đầu của văn hóa giao tiếp, giáo dục nhân cách và cơ sở để phát triển các quan hệ cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, việc giáo dục về chào hỏi trong xã hội truyền thống và hiện đại của nước ta được thực hiện theo nhiều nghi thức, cấp độ, ở nhiều địa phương và vùng miền có sự khác nhau, không có chuẩn mực quốc gia. Ở nhà trường phổ thông miền Bắc, học sinh chào thầy bằng nhiều câu: em chào thầy ạ/em chào thầy/chào thầy!…
Ở miền Nam, học sinh xưng con với thầy, cô giáo. Vào đại học, các em thường chào thầy bằng cách im lặng đứng lên hoặc chỉ ngồi và… nhìn. Còn các thầy cô cũng thường ít để ý, uốn nắn chuyện này. Thành ra, việc chào hỏi càng trở nên tùy tiện; không có sự kế thừa giữa gia đình, trường học, và công sở, doanh nghiệp.
Mỗi tổ chức đều có thể đặt ra những quy định về việc chào hỏi tại công sở theo cách lãnh đạo muốn. Nhưng mở quy chế/quy định về văn hóa doanh nghiệp của không ít cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân của Việt Nam, bạn sẽ không tìm thấy các quy chuẩn về cách xưng hô, chào hỏi. Phải chăng, văn hóa chào hỏi chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng có thể là biểu hiện của sự yếu kém về trình độ văn minh so với các nước trong khu vực?
Lý giải về nguyên nhân thất bại của các siêu thị Việt Nam trước các siêu thị nước ngoài ngay trên “sân nhà”, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã đưa ra một nhận xét rất đáng lưu ý: Siêu thị Việt không lấy nổi một lời chào, siêu thị ngoại thì đưa hàng ra tận cửa.
Ở các cơ quan công quyền nước ta, nạn khan hiếm lời chào và nụ cười còn trầm trọng hơn. Tháng 4/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra yêu cầu cải cách hành chính cần chọn ra điểm đột phá là “cán bộ, công chức phải biết “4 xin” đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép”. Như vậy, thực hiện sự chào hỏi đã là một nội dung của cải cách hành chính và văn hóa công vụ, công sở nước ta. Với tầm quan trọng và yêu cầu như vậy, việc thực hiện chào hỏi cần thực hiện theo các nguyên tắc và chuẩn mực nào? Xin nêu dưới đây một số suy nghĩ.
Một là, cần phát huy nét đẹp, cái tinh hoa của văn hóa truyền thống chào hỏi của dân tộc Việt Nam. Đây chính là cái thực tâm, hồn cốt cần có của văn hóa giao tiếp, chào hỏi nơi công sở hiện nay. Một nền văn hóa tổ chức mạnh thì giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn của nó có khả năng truyền cảm hứng và xây dựng tâm thái tốt cho nhân viên trong giao tiếp, làm việc...
Hai là, thực hiện sự chào hỏi cần theo các chuẩn mực: Lịch sự, văn minh, ngắn gọn và hiệu quả. Trong văn hóa chào hỏi truyền thống bao gồm hai hình thức thể hiện là chào và hỏi. Trong đó, hỏi là một cách chào gián tiếp được dùng rất phổ biến. Lời chào ngắn gọn, hiệu quả không chỉ là đặc điểm của văn hóa phương Tây mà còn là một chuẩn mực của tổ chức hiện đại và quản trị hiệu quả thời kỳ hội nhập quốc tế mà chúng ta cần học tập. Và dù có quan trọng thế nào đi nữa thì chào hỏi chỉ là sự mở đầu của cuộc giao tiếp, câu chuyện và công việc chính.
Ba là, chào hỏi cũng cần dựa trên sự hiểu biết về tôn giáo, nền văn hóa dân tộc của đối tượng và thực hiện phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Chào hỏi họ như thế nào, lời nói ra sao, bắt tay hay ôm, hôn, vỗ vai… cho đúng không phải là chuyện đơn giản. Nói cách khác, trong môi trường đa văn hóa thì chúng ta phải biết cách chào hỏi, giao tiếp xuyên văn hóa cho phù hợp. Việc này cần bắt đầu từ sự tìm hiểu, nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo của từng đối tác cụ thể. Các nguyên tắc trên có thể xem là các chuẩn mực để xây dựng một bản quy ước/quy định về chào hỏi, giao tiếp công sở cho một tổ chức cụ thể.
Có quy ước rồi thì việc khó hơn là tổ chức triển khai, áp dụng vào thực tế hoạt động của cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau: Truyền thông, đào tạo, nêu gương, kiểm tra, thưởng – phạt. Sau một thời gian thực hiện, lãnh đạo cần khảo sát, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp hơn, tiến tới tạo thành thói quen, nề nếp ứng xử, một nét văn hóa của doanh nghiệp hay tổ chức khác.