Hài hòa cái “tôi" và "chúng ta" trong mỗi tổ chức

Trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp, công sở, cái “chúng ta” được hình thành từ nhiều “cái tôi”. Liệu có mâu thuẫn phát sinh hay không và làm thế nào để hài hòa các mục tiêu, tạo điều kiện cho sự phát triển của mỗi cá nhân và tổ chức?

Mâu thuẫn khách quan

Cá nhân tham gia vào tổ chức, doanh nghiệp (DN), công sở, trước hết là để làm việc và đạt được các lợi ích, mục tiêu của mình. Vì vậy, các cá nhân buộc phải phụ thuộc vào tổ chức, phải chấp nhận sự phân công và có trách nhiệm trước tổ chức. Ngược lại, sứ mạng, bổn phận của tổ chức là phải sử dụng nguồn nhân lực của mình sao cho có hiệu quả nhất, phát triển sức mạnh của tập thể, đồng thời phải chăm lo giải quyết nhu cầu cá nhân mỗi thành viên.

Mâu thuẫn giữa “tôi” với “chúng ta” trong một tổ chức/ công sở/DN là không thể tránh khỏi. Đó là mâu thuẫn giữa cái riêng với cái chung, cá nhân và tập thể; giữa sự đa dạng của các cá nhân với yêu cầu thống nhất về ý chí, tình cảm của một tổ chức; mâu thuẫn giữa sự phân công, sắp xếp thứ bậc quyền lợi trong bộ máy với nhu cầu đòi đối xử bình đẳng, công bằng của mỗi cá nhân; mâu thuẫn trong lãnh đạo về sự ưu tiên phát triển con người hay công việc, ưu tiên trả lương cao hay đầu tư mở rộng sản xuất…

Nếu không giải quyết mâu thuẫn này một cách khoa học thì tổ chức sẽ bị suy yếu bởi số ít cá nhân có quyền hành thao túng, đi chệch hướng bởi chủ nghĩa gia đình trị hay vì lợi ích nhóm; tạo ra sự chán nản, bất mãn của số đông người lao động, thậm chí còn có nguy cơ bùng phát bạo lực.

Cần làm gì?

Trước hết, mỗi tổ chức, DN, công sở… cần có nội quy, quy chế làm việc phù hợp với pháp luật, công việc và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thành viên.

Chế độ làm việc phải được xây dựng theo các nguyên tắc quản trị khoa học, đồng thời là căn cứ pháp lý để đánh giá hoạt động của mỗi thành viên. Khi đến công sở làm việc, mỗi người đều phải tự nguyện và chấp nhận giảm đi một số quyền tự do và hạn chế sở thích cá nhân để tuân thủ kỷ luật lao động và các quy định bắt buộc của tổ chức. Bù lại, mỗi cá nhân sẽ được tổ chức cam kết bảo vệ, tạo điều kiện phát triển.

Điều lệ, nội quy, quy chế công tác chính là “luật pháp” hay “khế ước xã hội” trong công sở, là bộ khung của một thể chế quản trị mà mỗi thành viên đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. Sự thấu hiểu điều này và có thái độ tận tâm với công việc sẽ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công có chất lượng. Ngược lại, thái độ làm việc đối phó, quan liêu, lãng phí, dựa vào tổ chức để mưu cầu lợi ích cá nhân, phe nhóm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ làm cho nhân viên, nhân dân mất lòng tin vào tổ chức.

Hai là, cần xây dựng và thực thi một hệ thống văn hóa tổ chức/văn hóa doanh nghiệp văn minh, tiên tiến, có bản sắc.

Nếu như luật pháp, quy chế có tác dụng duy trì kỷ luật, ngăn ngừa sai phạm thì văn hóa tổ chức, văn hóa công sở, lại có thêm vai trò tăng cường sự kết nối giữa các thành viên, giữa thành viên với sứ mệnh của tổ chức và tạo động lực làm việc cho họ. Nhờ vậy, tổ chức tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, đề cao sự tuân thủ các giá trị cốt lõi, các hành vi chuẩn mực và phong cách làm việc chất lượng, hiệu quả. Một hệ thống văn hóa tổ chức tiên tiến không chỉ đòi hỏi sự hoàn thiện của các cấu trúc hữu hình (nhà cửa, văn phòng, thiết bị, nội thất, cảnh quan thiên nhiên, logo, trang phục. Mà hơn tất cả, nhân viên phải được thấu hiểu, có niềm tin và thái độ làm việc tự giác, để cống hiến ngày càng nhiều hơn cho tổ chức và xã hội. Mặt khác, họ lại được tổ chức chở che, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển các nhu cầu, động lực cá nhân.

Ba là, người đứng đầu và bộ phận lãnh đạo, quản lý DN/tổ chức/công sở phải thực sự gương mẫu và sử dụng quyền lực một cách cẩn trọng, nhân văn.

Trong một DN/công sở/tổ chức, cấp trên có quyền sai khiến cấp dưới. Nhưng để cho cấp dưới thực sự tin tưởng và “tâm phục khẩu phục” cấp trên, người lãnh đạo phải sử dụng quyền của mình một cách cẩn trọng, thông minh.

Đó là thứ quyền lực có mục đích quan tâm, phát triển nhân viên, phát triển tổ chức một cách bền vững, dựa trên sự công tâm, chính trực, đạo đức và phong cách tốt đẹp của người lãnh đạo. Mặt khác, tổ chức muốn phát huy được sức mạnh của cả hệ thống thì phải chú trọng đến việc giám sát quyền lực, hạn chế lợi ích nhóm và bênh vực bộ phận người yếu thế, dễ bị tổn thương. Đồng thời, phải có một hệ thống đánh giá, khen thưởng và kỷ luật nhân sự công bằng, công khai, minh bạch và mang tính nhân văn, khích lệ, động viên.

Trong hoạt động, sinh hoạt chung tại công sở, theo tôi, cần đặc biệt chú ý đến việc hiểu rõ bản chất những gì đang xảy ra trong hiện tại. Điều đó, giúp ta hóa thân vào các hoạt động chung với mọi người, tạo ra cuộc sống trọn vẹn và sâu sắc từng giây từng phút, cảm nhận được hạnh phúc ngay chính ở đây và bây giờ, tránh cho ta bị phân tâm bởi những việc khác hoặc sự theo đắm đuối với tiếc nuối quá khứ hoặc những ước vọng viển vông trong tương lai (1). Vậy là thái độ và quan điểm lãnh đạo công tâm, tất cả vì cái chung, chính là cơ sở để xây dựng nên tinh thần, thái độ làm việc tận tâm, hết lòng vì công việc, vì đồng nghiệp, vì khách hàng, đối tác...

(1) Dựa trên quan điểm và ý tưởng của tác giả Thích Nhất Hạnh, trong sách “Quyền lực đích thực”. NXB, Tri thức, Hà Nội, 2014.

PGS.TS Đỗ Minh Cương - Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội


  • 24/08/2016 02:22
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4832