Xung đột với đồng nghiệp: Xử lý thế nào?

Làm việc trong công sở, không thể tránh khỏi những tình huống khó xử với đồng nghiệp. Dưới đây là chia sẻ về cách xử lý trong một vài tình huống điển hình mà quý độc giả có thể cùng trao đổi hoặc tham khảo.

Anh Ngô Duy Hiếu

(Ban QLDL Thủy điện 1)

Anh Từ Minh Vũ Bảo

(Nhà máy Thủy điện Sê San 3)

Chị Nguyễn Ngọc Lan

(Công ty Điện lực Quảng Ninh)

Tình huống 1: Đồng nghiệp nói xấu sau lưng bạn

Anh Ngô Duy Hiếu: Nếu đó là sự thật và bản thân mình đang mắc lỗi, thấy cần thay đổi, thì tôi coi đó là lời nhắc nhở. Nếu chỉ là “chuyện tám” thường nhật hoặc những nhận xét phiến diện thì sẽ bỏ qua, không cần thiết phải giải thích. Ngược lại, nếu đó là những lời bịa đặt, quy chụp làm ảnh hưởng tới danh dự và công việc, tôi sẽ gặp riêng người đưa ra những thông tin không trung thực để làm cho rõ vấn đề.

Chị Nguyễn Ngọc Lan: Đồng nghiệp là người hàng ngày cùng nhau làm việc nên không thể tránh khỏi những điều không vừa ý. Tôi sẽ “soi” lại bản thân mình trong công việc, trong quan hệ với đồng nghiệp đã đúng mực chưa? Nếu mình sống đúng, có năng lực, có nghiệp vụ vững vàng thì không sợ ai nói xấu sau lưng.

Anh Từ Minh Vũ Bảo: Cần nghiên cứu xem họ nói về mình như vậy là đúng hay sai, vì con người ngay từ khi mới sinh ra đã không ai hoàn hảo cả. Nếu họ nói đúng thì mình phải rút kinh nghiệm và tìm cách khắc phục, không cho họ còn cơ hội nói xấu mình nữa. Nếu việc họ nói không đúng, tôi sẽ tìm cách chứng minh cho mọi người thấy bằng hành động thực tế của bản thân. 

Tình huống 2: Đồng nghiệp biến công sở thành “chiến trường”, làm mọi việc để giành được lợi thế

Anh Ngô Duy Hiếu: Nên kín đáo tạo khoảng cách với người đồng nghiệp này, không để họ có cơ hội “nhòm ngó” vào công việc của người khác. Đồng thời làm tốt hơn nữa công việc được giao, giữ mối quan hệ tốt giữa các đồng nghiệp.

Chị Nguyễn Ngọc Lan: Tôi vẫn làm tốt công việc của mình, khẳng định năng lực của bản thân bằng những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả.

Anh Từ Minh Vũ Bảo: Tôi sẽ cố gắng làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để bị cuốn hút vào “cuộc chiến” của họ. Cũng có thể báo cáo với lãnh đạo đơn vị, Ban chấp hành công đoàn để thống nhất góp ý về hành động không đúng chuẩn mực của cá nhân đó.

Tình huống 3: Bạn và đồng nghiệp có vị trí, trách nhiệm công việc tương đương nhau. Nhưng gần đây bạn mới biết rằng lương của người đó cao hơn của bạn.

Anh Ngô Duy Hiếu: Tôi sẽ tìm hiểu kỹ Quy chế chi trả lương của cơ quan trước khi nêu ý kiến. Vẫn có trường hợp vị trí và trách nhiệm công việc tương đương nhau, nhưng mức độ/chất lượng công việc hoàn thành khác nhau thì đương nhiên là thu nhập của mỗi người cũng sẽ khác nhau.

Chị Nguyễn Ngọc Lan: Nói đến vấn đề này phải phụ thuộc vào cách trả lương của doanh nghiệp. Nếu trả lương theo hệ số, cần xem xét việc đồng nghiệp có thể có sáng kiến, thành tích trong công việc nên được tăng lương trước. Nếu doanh nghiệp trả lương theo năng suất, chất lượng hiệu quả công việc mà tôi lại được trả lương thấp hơn đồng nghiệp thì tôi cần xem lại bản thân mình đã làm việc tốt chưa, đã làm hết trách nhiệm chưa, hiệu quả công việc thế nào. Nếu bản thân làm chưa tốt thì chắc chắn lương sẽ thấp hơn đồng nghiệp.

Anh Từ Minh Vũ Bảo: Tôi sẽ hỏi người phụ trách công tác tính lương của đơn vị giải thích cụ thể, để nắm được tại sao có sự chênh lệch.


  • 06/10/2016 09:58
  • Nguồn:Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2002