Lính truyền tải về thăm "chiến trường" xưa

"Nhà đây rồi, nhà đây rồi". Tiếng gã oang oang. K.i.í.t.t.t.t... Tiếng động cơ thắng gấp trước ngôi nhà nhỏ, nơi gã cùng bao nhiêu đồng đội là lính truyền tải đã gắn bó với bao kỷ niệm.

Ăn uống "cơ động" là đặc thù của lính truyền tải - Nguồn ảnh: evn.com.vn

Đã 2 năm rồi mới có cơ hội ghé thăm đồng bào Cơ Tu ở xã Hương Nguyên, huyện  A Lưới, Thừa Thiên - Huế.  “Bố, mẹ” (tiếng gọi thân mật giữa anh em và vợ chồng bác chủ nhà khi anh em xin tá túc trong thời gian làm việc tại đây) và các em vẫn ở đó. Có điều, thời gian và cuộc sống vất vả đã hằn sâu lên những khuôn mặt sạm đen.

Cảnh vật nơi đây không khác nhiều so với thời gian gã ở và làm việc trước đây. Trời vẫn mưa tầm tã, con đường nhầy nhụa bùn đất, xa xa tiếng ếch kêu ì oạp, ngôi nhà nhỏ đơn sơ với mái ngói rêu xanh vẫn y nguyên. Điều khác biệt lớn nhất là từ khi đường dây tải điện đi vào vận hành, điện đã thắp sáng bản làng và mang đến những cơ hội phát triển cho bà con.
 
Gã xuất hiện trước cửa cũng là lúc cả gia đình đang ngồi bên mâm cơm đạm bạc. Họ không nhận ra gã. Chắc có lẽ vì qua bao nhiêu năm lăn lội với nghề, gã đã khác trước nhiều, rắn rỏi hơn và già hơn.
- Chào bố, chào mẹ và các em…. Gia đình có nhận ra con không ? Gã nói.
Cả nhà ngừng đũa:
- Thằng Việt, thằng Việt, mẹ mi ơi, mi đi mô đây rứa? - Bố nói với cả nhà rồi ôm chầm lấy gã, cái ôm đầy cảm xúc, hào sảng mà chân thật.
- Con cùng anh em có công việc đi qua đây nên ghé thăm bố và gia đình. Gia đình mình dạo ni thế nào? - Gã nói và không quên trao cho gia đình ít khoai deo đặc sản của mảnh đất Quảng Bình nhiều nắng gió.
- Gia đình khỏe chơ, vẫn nhớ mấy thằng bây lắm, bây hồi ni răng, có khỏe không à? Thằng Hùng, thằng Chương rồi thằng Hướng nữa, vẫn khỏe như con trâu rừng trên núi, như con hổ trên rừng không? Bố hỏi dồn dập.
- Dạ, anh em vẫn khỏe và nhớ bố cùng gia đình nhiều  lắm.
 
Bên bếp lửa hồng và ấm nước chè xanh nóng ran, gã ngồi lại với gia đình, nhắc lại những kỷ niệm thời mấy anh em gã làm việc ở đây. Ngày ấy cũng mới 2 năm chứ đâu phải xa xôi gì lắm. Gã cùng anh em Truyền tải điện Quảng Bình được phân công về đây xây dựng đường dây 220 kV. Điểm nhấn đầu tiên mà anh em gã thấy khi về đây chính là địa hình của công trình. Than ôi! toàn núi là núi, cây là cây. Nơi đây đã nghèo, lại kèm theo thời tiết khắc nghiệt, mưa tầm tã cả ngày lẫn đêm. Lần đầu tiên đi công tác khá dài, xa hơn 200 cây số, gã nhớ gia đình, nhớ người "iu" da diết. Nhưng trót dính vào cái nghề truyền tải quanh năm rang nắng pha sương, rồi dần cũng quen công việc, mùi hương nồng của cây cỏ, cuộc sống “tếu táo” của người lính đường dây, những tiếng cười giòn tan,... rồi thì không dứt ra được nữa.
 
Đơn vị gã được phân công căng dây lấy độ võng 3 khoảng néo gồm 15 vị trí dài hơn 8 km. Nếu như ở đồng bằng, hẳn công việc cũng bình thường, tuy nhiên ở đây thì khác, khó gấp nhiều lần. Đa số vị trí cột đều ở trên núi cao, phía dưới là thung lũng, công việc vận chuyển vật tư thiết bị hết sức khó khăn cộng thêm đồi núi hiểm trở, đường vào tuyến nhiều vị trí ô tô không thể vào, ngày cũng như đêm mưa tầm tã. Thế nên, vật tư anh em gã đều phải vác bộ kể cả máy tời (dụng cụ nặng dùng để căng dây lấy độ võng). Rồi phải leo trên những vách đá tai mèo dựng đứng, phát cây rừng, lội qua khe sâu để chuyển cáp mồi về điểm kéo dây rồi đi ngược lại bảo vệ đầu dây dẫn khi tời về vị trí bắt khóa néo tại một đầu khoảng néo. 
 
Khi dừng chân tạm nghỉ thì những con vắt trâu, vắt bố, vắt mẹ, vắt con nghe thấy hơi người là chúng bò tới bám vào chân tay thi nhau hút lấy, hút để nguồn máu tươi sống, nhìn mà rợn tóc gáy. Và cũng chính nhờ ở cùng với dân bản nên anh em gã mới phát hiện ra một bí quyết phòng tránh vắt rất hữu hiệu là dùng xà phòng hoặc dầu gió bôi lên người thì lũ vắt tránh xa. Chính phương pháp “dân tộc học” này đã giúp ích cho anh em gã trong công việc rất nhiều.
 
Công việc của anh em trong chuyến thi công dài ngày quả thật vất vả. Sáng đi làm khi tiếng con gà rừng gáy, cùng nắm cơm mè đùm lá chuối, bi đông nước, thế là lên đường, cho đến khi mặt trời khuất bóng sau rặng tre già, những chú chim rừng gọi nhau về tổ nghỉ ngơi sau một ngày kiếm mồi mệt nhọc, cũng như những con người truyền tải, những người đưa dòng điện đến với vùng xa.
 
Trong thời gian thi công công trình hầu như bữa ăn trưa nào cũng diễn ra ngay tại tuyến thi công, hay trên đỉnh cột, với những hộp cơm chống đói nóng hổi, rất ngon của những anh nuôi dã chiến được anh em tín nhiệm bầu chọn trong số anh em công nhân có tay nghề nấu nướng nhất. Nhiều khi nước uống chưa đến kịp thời lại quen tay múc luôn nước đọng đâu đó chống khát, nghề truyền tải là vậy, không sợ bẩn chỉ sợ khát, sợ đường dây chưa hoàn thành đúng tiến độ.
 
Gần hai tháng ròng rã ăn nằm cùng đồng bào, những vất vả trong công tác không thể nói hết thành lời, những bộ quần áo bốc mùi ẩm mốc do phơi không đủ nắng, khi về phải hong bên bếp lửa cho khô. Tuy nhiên, đi đôi với đó là những kỷ niệm khó quên, mà không khó quên sao được khi ở thành thị làm sao biết được những món ăn như sáp ong mật vừa lấy xuống trên cây còn nóng hổi với những chú nhộng béo ngậy thơm mùi sữa, cắn vào miệng thứ sữa béo đó ngập tới chân răng, ngọt lịm trên đầu lưỡi. Rồi món chuối rừng xào, củ mài luộc, gà rừng, cá suối do chính những bàn tay chai sạn, đen nhẻm của anh em tự tay chế biến, nhấp ly rượu cay nồng của người dân tộc. Rồi những cô gái bản làng trắng trẻo xinh đẹp hay cười với gã cùng anh em bên khe suối, tối tối lại rủ nhau đi làm quen, chuyện trò, những cụ già miệng không rời tẩu thuốc đã đi vào tiềm thức của gã cùng anh em đồng đội .
 
Sau gần 2 tháng trời làm việc không ngừng nghỉ, công trình cũng đã hoàn thành trước tiến độ, đường dây đã được giao lại cho chủ công trình. Ngày chia tay bản làng của gã cùng anh em cũng như ngày mới đến, trời vẫn mưa tầm tã như buồn thay cho cảnh chia ly giữa những người lính truyền tải đã gắn bó với bản làng Cơ Tu, đúc kết cho nhiều thành viên trẻ như gã nhiều kinh nghiệm xương máu trong công việc cũng như cuộc sống.
 
Gã cùng anh em chào từ biệt bố mẹ và các em. Khi đã chuẩn bị lên xe trở về thì nhận được những lá thư của các cô gái làng gửi qua mấy đứa trẻ đưa tới cho cánh thanh niên. Các cô không dám chào từ biệt khi còn bên nhau, để khi lên xe mới ngậm ngùi thương nhớ...
 
Ghé thăm bố mẹ và gia đình, tâm sự một hồi lâu, gã cùng anh em xin phép được ra về trong tiếng nài ở lại, nhưng "chúng con phải đi rồi. Chúc gia đình mình mạnh khỏe, khi nào rảnh rỗi chúng con lại ghé thăm".
 
Ngôi nhà nhỏ mỗi lúc một xa dần. Tạm biệt bản làng, chúng tôi lại lên đường "chinh chiến" với những công trình mới.
 


  • 26/12/2013 09:02
  • Hoàng Đức Việt (Truyền tải điện Quảng Bình)
  • 1372


Gửi nhận xét