Thần đồng máy tính
Mark Elliot Zuckerberg sinh ngày 14/5/1984, tại New York, trong một gia đình trí thức. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã có niềm say mê kỳ lạ với máy tính. Trong khi các bạn cùng độ tuổi chơi với máy tính, Zuckerberg đã chế tạo ra nhiều phần mềm và trò chơi đơn giản để chơi cùng các bạn. 12 tuổi, anh xây dựng chương trình phần mềm "ZuckNet", cho phép tất cả các máy tính giữa nhà và văn phòng nha sĩ của cha mình có thể kết nối với nhau. Nhà phát triển phần mềm David Newman lúc bấy giờ đã coi anh là một "thần đồng" về máy tính, mà bản thân ông cũng khó theo kịp.
Tốt nghiệp trung học, anh theo học Đại học Harvard, chuyên ngành khoa học máy tính và tâm lý học. Chỉ mới năm thứ nhất, Mark đã nổi tiếng khắp trường. Anh viết phần mềm CourseMatch để giúp các sinh viên chọn lớp học dựa trên sự lựa chọn khóa học của các sinh viên khác. Mark cũng đã viết phần mềm Facemash, cho phép các sinh viên bầu chọn ai quyến rũ hơn bằng cách so sánh các hình chụp. Phần mềm này trở nên phổ biến trong khuôn viên trường, thậm chí có sức ảnh hưởng đến kết nối internet, khiến cho nhà trường phải cấm sử dụng.
Kỷ nguyên Facebook
Tháng 6/2004, Mark đã cùng với Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Eduardo Saverin Facebook mở trang web tổng "The Facebook” ngay tại phòng ký túc xá. Trang này được kết nối với trường khác như Stanford, Dartmouth, Columbia, New York University, Cornell, Penn, Brown, và Yale.
Đám cưới của Zuckerberg diễn ra tại sân sau nhà anh tại Palo Alto
|
Quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình, Mark Zuckerberg thôi học tại Trường Harvard, tập trung phát triển Facebook. Anh đã đến Palo Alto, California thuê trụ sở hoạt động cho trang web. Đến cuối năm 2004, Facebook đã có 1 triệu người sử dụng.
Với sự góp vốn đầu tư của Peter Theil, đồng sáng lập hãng dịch vụ chi trả qua mạng Paypal, hãng Accel Partners và hãng Greylock Partners, Facebook nhanh chóng nâng tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng mạng. Cuối năm 2005, số lượng người dùng Facebook đã đạt 5,5 triệu. Rất nhiều công ty muốn hợp đồng quảng cáo độc quyền. Tuy nhiên, Mark từ chối để tập trung vào sáng tạo thêm nhiều tính năng và mở cửa cho các nhà đầu tư bên ngoài tham gia.
Facebook trở thành một mạng xã hội đa tính năng, có sức lan tỏa lớn, được giới trẻ ưa chuộng, một hiện tượng hiếm có trong giới công nghệ, được mệnh danh là tương lai của mạng internet, tạo nên “Hiện tượng Facebook”. Tất nhiên, Mark không điều hành Facebook một mình, nhưng anh là người xây dựng nền văn hóa của công ty và tác động lên đội ngũ lãnh đạo. Theo Ekaterina Walter - tác giả của cuốn sách "Think Like Zuck”: "Niềm đam mê của Zuck đã tiếp thêm "nhiên liệu" cho mục tiêu của anh ấy, và dựa trên niềm đam mê này, Zuck biết chính xác anh ấy muốn mình ở vị trí nào. Mục tiêu của anh ấy là 'Làm thế nào để thế giới có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn".
Giản dị trong lối sống – hào nhoáng khi từ thiện
Zuckerberg có vẻ bề ngoài của một người nghiện máy tính điển hình, nhưng thành công của Zuckerberg đã biến anh thành biểu tượng của fan nữ. Mặc dù vậy, anh không có ý định trở thành “người hùng” của các cô gái. Zuckerberg luôn thích mọi thứ đơn giản, thậm chí tối giản. Xe anh thường đi trong khuôn viên công ty là xe golf mang biển số FB Poke. Anh yêu nhiều thứ thuộc về chủ nghĩa cổ điển. Lối sống của anh cũng giản dị. Anh thường mặc áo khoác mỏng màu nâu, quần kaki rộng, đi giày Adidas. Anh sống trong căn hộ thuê, đồ đạc chỉ có 1 bàn và 2 ghế. Bữa sáng của anh là ngũ cốc đựng trong bát giấy và thìa nhựa. Hằng ngày, anh đi bộ hoặc đạp xe tới văn phòng.
Zuckerberg (trước) đi bộ trên cầu treo ở Bản Hồ, Sa Pa, Việt Nam
|
Mark Zuckerberg kết hôn với bạn gái lâu năm của mình, Priscilla Chan, một buổi lễ nhỏ tại nhà mình ở Palo Alto, California, không hoành tráng, đơn giản đến bất ngờ khiến không ít người nhầm tưởng họ được mời đến dự buổi mừng lễ tốt nghiệp của Chan. Tuy nhiên, Zuckerberg lại rất hào phóng khi chia sẻ những gì kiếm được với cộng đồng.
Tháng 9/2010, anh đã tặng 100,000,000 USD cho trường học Newark ở New Jersey. Chỉ hai tháng sau đó, Zuckerberg đã ký "Giving Pledge", cam kết đóng góp ít nhất 50% tài sản của mình để làm từ thiện trong suốt cuộc đời của mình. Đồng thời, Zuckerberg đã kêu gọi các doanh nhân và những người trẻ khác cùng làm như vậy.
Zuckerberg được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là nhân vật của năm 2010. Anh cho rằng, phần thưởng của Time là “vinh dự thực sự và sự công nhận đối với một đội ngũ nhỏ bé xây dựng một thứ mà hàng trăm triệu người muốn dùng, để khiến thế giới rộng mở và liên kết hơn”.