Cách đây 13 năm, hầu như chẳng có nhà đầu tư nào muốn đổ tiền cho một hãng chuyên sản xuất pin cho máy trợ thính đang thua lỗ. Thế nhưng Michael Tojner, biệt danh "Quý ông 300%" đã quyết định rót 40 triệu USD vào đó và biến chúng thành khối tài sản tỷ USD nhờ Apple. Giờ đây với sự cạnh tranh từ hàng nhái của Trung Quốc, Tojner đang phải cố gắng giữ vững đế chế của mình.
Đầu tư mạo hiểm
Trong một phòng họp tại Nordlingen-Đức, tỷ phú người Áo Michael Tojner đang mân mê một viên pin nhỏ xíu. Sản phẩm nhỏ hơn cả đồng xu này là công nghệ mới của Tojner khi chỉ có đường kính 12,7mm, nhưng lại chứa năng lượng nhiều gấp hàng trăm lần so với những cục pin thường lớn hơn.
Phiên bản trước đó của dòng pin này đã từng được nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong sử dụng trong chiếc máy ảnh khi đổ bộ lên mặt trăng trên con tàu Apollo 11. Hiện giờ các sản phẩm của hãng đang được dùng cho dòng tai nghe không dây Airpod Pro của Apple.
Vào năm 2007, Tojner đã mua lại hãng sản xuất cục pin này là Varta với 40 triệu USD. Chỉ trong 2 năm rưỡi sau đó, công ty đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Frankfurt và giờ đây có tổng vốn hóa thị trường đạt 2,8 tỷ USD.
Ngân hàng Commerzbank ước tính Varta hiện chiếm hơn 50% thị phần cho dòng pin tai nghe không dây cao cấp. Doanh thu của Varta đã tăng tới 34% trong năm tài khóa 2019 sau những hợp đồng với Airpod Pro, Samsung, Jabra hay Sony. Chính những thành công này đã khiến Tojner lọt tóp tỷ phú do tạp chí Forbes bình chọn lần đầu tiên.
"Nhờ dòng pin siêu nhỏ, chúng tôi rõ ràng đã trở thành người dẫn đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng 50-60% mỗi năm. Trong vòng 10 năm tới, chẳng có chiếc điện thoại nào mà không đi kèm tai nghe và đây là mảng có tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn", Tỷ phú Tojner nhận định.
Doanh nghiệp sản xuất pin Varta của tỷ phú Tojner là phần còn lại của tập đoàn công nghiệp Đức cũng có tên Varta. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1887 và hoạt động trên nhiều lĩnh vực như dược phẩm, hóa học, nhựa và cả pin.
Sau Thế chiến I, gia tộc tỷ phú Quandt, nổi tiếng với số cổ phần áp đảo trong hãng BMWW, đã mua lại Varta. Gần 100 năm sau, ngoại trừ mảng dược phẩm và hóa học đã được tách ra từ lâu, thế hệ sau của gia tộc Quandt quyết định bán nốt những gì còn lại của Varta. Trong khi phần lớn mảng kinh doanh pin được Rayovac và Johnson Controls mua lại thì bộ phận pin siêu nhỏ lại bị bỏ xó.
"Tôi là người đấu thầu duy nhất cho mảng này vì chẳng có ai dám mua mảng đó của Varta cả. Họ bán cho tôi một doanh nghiệp có dòng tiền âm. Thế nhưng mọi chuyện dần trở nên tốt đẹp hơn khi chúng tôi có hợp đồng với Apple. Sau đó 1 năm, sự cố một viên pin phát nổ diễn ra và chúng tôi mất hợp đồng với Apple. Doanh nghiệp gần như phá sản trong khi ngân hàng thì lo lắng. Tôi đã phải tái cấu trúc lại công ty vì chúng tôi không đủ tiền thanh toán lãi vay", tỷ phú Tojner nhớ lại.
Vụ nổ pin tai nghe Airpod Nano đã buộc Varta phải từ bỏ khoản đầu tu 60 triệu USD vào dòng pin Lithium Polymer do lo ngại tính an toàn. Giờ đây hãng tập trung hơn cho dòng pin Lithium Ion dạng đồng xu cũng như cố gắng tự động hóa sản xuất để chống lại các đối thủ có chi phí nhân công rẻ đến từ Châu Á. Hãng cũng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu nhằm thúc đẩy lợi thế cạnh tranh về công nghệ trên thị trường.
Khởi nghiệp bán kem
Dù nổi tiếng trong mảng kinh doanh pin nhưng ít ai biết rằng Tojner khởi nghiệp bằng nghề bán kem cho du khách. Mọi chuyện bắt đầu từ cung điện Schonbrunn đã 300 năm lịch sử, nơi nghỉ hè của hoàng tộc Habsburg nước Áo. Đây là điểm thu hút rất nhiều du khách và cũng là nơi Tojner khởi nghiệp đầu đời.
Năm 1991, Tojner mua lại được quyền bán kem trước cửa cung điện khi vẫn đang theo học ngành luật và quản trị kinh doanh tại trường đại học kinh tế Vienna.
Dù mỗi cây kem chẳng đáng bao tiền nhưng số lượng đông đảo du khách đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Tojner. Thời điểm đó chàng trai trẻ Tojner còn nhiệt huyết và đầu tư dàn trải vào đủ thứ, từ thư tín đến máy đánh trứng trộn đa năng hay thậm chí là mở một chuỗi cửa hàng nội thất.
"Việc bán kem còn có lợi nhuận cao hơn cả kinh doanh pin siêu nhỏ, đây cũng là khởi điểm cho đời khởi nghiệp của tôi. Giai đoạn đầu khởi nghiệp của tôi khá hoang dại khi tôi mới chỉ 23-23 tuổi. Tất cả nguồn vốn của tôi khi đó đều đến từ cửa hàng kem và vay ngân hàng. Khi đó tôi đã gần như phá sản", ông Tojner nhớ lại.
Sau khi có bằng đại học, Tojner đã bán doanh nghiệp của mình để xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Vienna. Dự án online Bwin của ông đã giúp nhà khởi nghiệp có được 242 triệu USD cổ phiếu khi IPO.
"Tiền với Michael cứ như âm nhạc với Mozart vậy. Ông ấy yêu tiền và cảm thấy vui vẻ khi kiếm nhiều tiền hơn", bạn đầu tư Manfred Bodner của Tojner nói.
Tuy nhiên Tojner cũng gặp khá nhiều khó khăn khi có những báo cáo cho thấy Samsung và nhiều khách hàng khác của Varta đang xem xét sử dụng những sản phẩm từ Trung Quốc. Varta ngay lập tức đã đâm đơn kiện vi phạm bản quyền lên tòa án tại bang Texas, thế những những cuộc kiện cáo bản quyền công nghề thường chẳng mấy khi thành công.
"Tôi nghĩ các công ty Đức đôi khi hay đánh giá thấp khả năng của những đối thủ Châu Á, và rất không may Varta là một trường hợp như vậy", Chuyên gia phân tích Stephan Klepp của Commerzbank nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chuyên gia Robert Jan van dẻ Horst của Warburg Research nhận định lợi nhuận biên của Varta sẽ bị thu hẹp bởi các đổi thủ nhưng nhờ đầu tư mạnh vào tự động hóa cùng thường hiệu "Made in Germany" mà các nhà máy của hãng vẫn sẽ không bị đóng cửa. Chuyên gia Van dẻ Horst chỉ ra rằng trước đây khi Varta vẫn sản xuất pin cho máy trợ thính, họ chỉ dùng 10 người nhưng sản xuất được tới 1,4 tỷ cục pin mỗi năm.
Bất chấp khó khăn, tỷ phú Tojner tự tin rằng công nghệ tiên tiến sẽ giúp Varta luôn dẫn đầu.
"Chất lượng của chúng tôi tốt hơn, bởi vậy mức giá của chúng tôi cũng cao hơn. Với Apple và Samsung, sản phẩm của họ rất đắt tiền nên cũng cần những bộ phận có giá tương xứng. Pin vốn là một trong những thành phần quan trọng của sản phẩm và dù chỉ rẻ 5 Euro nhưng nếu nó ngừng hoạt động sau 8 tháng dùng thì bất cứ ai chắc cũng phát điên", tỷ phú Tojner tự tin nói.
Link gốc