Một công trình nhiều ý nghĩa dân sinh

Tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), dự án xây dựng tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển, cấp điện cho xã Thạnh An trở thành một điểm nhấn thú vị về diện mạo nông thôn mới của huyện. Công trình này càng thêm có ý nghĩa khi được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Niềm mong ước bấy lâu của hàng nghìn hộ dân xã đảo đã trở thành hiện thực.

Vượt khó thi công

Những ngày giữa tháng 4 lịch sử, chúng tôi cùng đoàn công tác Ban Quản lý Dự án lưới điện TP Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý dự án) thuộc Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh xuống công trường để theo dõi tiến độ, động viên các cán bộ, kỹ sư các đơn vị đang ngày đêm thi công tại đây. Khác với những công trình nằm trên đất liền, đoàn công tác phải hai lần thay đổi phương tiện, từ đường bộ rồi thêm một lần đi đò mới có thể ra được công trường này.

Giữa biển, chiếc sà-lan nặng hơn 200 tấn mặc dù được sáu mũi neo "trói" chặt các hướng nhưng thỉnh thoảng vẫn lắc lư theo những con sóng đánh mạnh vào thành sà-lan. Nhớ lại những ngày lênh đênh trên công trình, Giám đốc Xây dựng Liên danh Công ty TNHH XDÐ Thái Dương - NMS, Chỉ huy trưởng của công trình Lê Anh Tuấn cho biết, công tác thi công có nhiều thời điểm gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí phải dừng thi công do sóng to.

Với một công trình đòi hỏi sự chính xác cao như lắp đặt cáp ngầm này thì mọi sai số đều không được phép. Cứ thi công được 24 m ống dẫn thì lực lượng thợ lặn chuyên nghiệp lại lặn xuống để kiểm tra và báo cáo các thông số lắp đặt. Ngoài ra, tuyến cáp ngầm này lại đi xuyên qua luồng hàng hải, nơi tàu biển ra vào các cảng biển ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên cho nên có thời điểm, nhà thầu thi công phải phân đoạn ra để bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng của công trình.

Trong suốt gần bốn tháng thi công, trên những chiếc sà-lan này, gần như mọi cán bộ, kỹ sư không có khái niệm ngày đêm. Mấy chục con người cứ hết ca lại tranh thủ tắm rửa, nghỉ ngơi ngay trên sà-lan để sẵn sàng cho ca làm việc tiếp theo. Thậm chí, khi thời tiết thuận lợi, nhà thầu đã huy động gần như cao nhất quân số để bù lại khoảng thời gian phải ngừng thi công do ảnh hưởng của thời tiết.

Ðại diện của Ban Quản lý Dự án lưới điện TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiểu được những khó khăn khách quan mà các đơn vị thi công tại đây đang trải qua, lãnh đạo Tổng công ty Ðiện lực TP, các ban liên quan cũng thường xuyên có mặt tại công trường để động viên, khích lệ tinh thần cũng như kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị gặp phải.

Trước tinh thần vượt khó đó, Trưởng ban tư vấn giám sát, Công ty cổ phần khảo sát thiết kế xây dựng công trình Vũ Phúc Giang cho biết: Ðặc thù của những dự án lắp đặt cáp ngầm vượt biển là chịu tác động rất lớn từ thời tiết. Tuy nhiên, chất lượng của công trình vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu cho nên trong suốt thời gian thi công, anh em chúng tôi luôn cùng các nhà thầu nỗ lực vượt khó để công trình về đích đúng tiến độ.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh, Phạm Quốc Bảo: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty đã triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến cáp ngầm vượt biển cấp điện cho xã đảo Thạnh An. Quy mô của dự án bao gồm: Xây dựng một mạch cáp ngầm 22 kV dưới biển từ trạm ngắt 22 kV Cần Thạnh (xây dựng trạm ngắt mới tại bến đò Tắc Xuất) đến trạm ngắt 22 kV Thạnh An (xây dựng trạm mới tại trạm phát đi-ê-den Thạnh An trên đảo Thạnh An) với chiều dài tuyến cáp là 5.875 m.

Ðể bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, Tổng công ty đã thành lập tổ điều hành dự án do Phó Tổng Giám đốc Phạm Quốc Bảo làm trưởng ban cùng lãnh đạo các ban chuyên môn có liên quan, Ban Quản lý dự án lưới điện TP Hồ Chí Minh và Công ty Ðiện lực Duyên Hải để phối hợp với huyện Cần Giờ, xã Thạnh An, Cục Hàng hải, Biên phòng Hải đội 2. Tổng công ty cũng lựa chọn các đơn vị lập dự án đầu tư, thi công, tư vấn giám sát thực hiện công trình là những đơn vị có uy tín từng thực hiện các dự án cáp ngầm đưa điện ra đảo như: Công ty CP tư vấn và Xây dựng Ðông Hải, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương - NMS,...

Hoàn thành 128 căn nhà nông thôn mới

Cũng trên địa bàn xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thực hiện hỗ trợ huyện Cần Giờ xây dựng 128 căn nhà trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Số lượng nhà này đã hoàn thành trước tháng 12-2014 góp phần mang lại cuộc sống ổn định của các hộ dân trên đảo. Trước đó, tuy danh sách xã Thạnh An gửi lên chỉ có 65 hộ cần hỗ trợ nhưng qua khảo sát thực tế, thấy đời sống của nhiều hộ dân trên đảo còn khó khăn, Ðảng ủy, Ban lãnh đạo tổng công ty đã quyết định nâng tổng số hộ được hỗ trợ lên con số 128 hộ.

Ðổi thay cuộc sống của người dân

Tuyến cáp ngầm xuyên biển đưa điện về Thạnh An hôm nay đã góp phần xóa cách trở về địa lý, đưa điện lưới quốc gia đến cho người dân xã đảo Thạnh An, địa phương cuối cùng của TP Hồ Chí Minh đang sử dụng nguồn đi-ê-den, chưa có điện lưới.

Thạnh An là xã đảo duy nhất nằm tách biệt hoàn toàn với phần đất liền của TP Hồ Chí Minh với bốn bề là các sông và cửa biển Cần Giờ. Ðời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào việc đánh bắt thủy, hải sản nhưng bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trước đây, do việc sử dụng nguồn điện từ trạm phát đi-ê-den cho nên nguồn cấp điện bị hạn chế, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân phần nào còn thiếu thốn. Tình trạng giao thương với đất liền vì thế mà cũng rất thưa thớt và ít sôi động. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu từ xã ra vào đất liền. Chính vì sự cách trở về địa lý như vậy cho nên lâu nay người dân trên đảo thiếu thốn nhiều thứ, nhất là nước sạch...

Ông Nguyễn Văn Chao, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An phấn khởi cho biết: "Ðược sự quan tâm của chính quyền thành phố, gia đình tôi được hỗ trợ kinh phí để cất lại nhà. Nay ngành điện lại đưa điện lưới về cho người dân trên đảo, thật là mừng hết biết. Rồi đây, cuộc sống của dân đảo chúng tôi sẽ có nhiều bước phát triển mới". Ông Chao cũng như nhiều người dân khác rồi đây sẽ không còn cảnh thấp thỏm lo âu trong việc đánh bắt, bảo quản các sản phẩm thủy, hải sản của mình nữa mà có thể yên tâm bởi khi có điện lưới ổn định thì việc sản xuất, kinh doanh, sản xuất nước đá,... cũng sẽ đi theo hướng bền vững hơn trước đây.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An Huỳnh Anh Tuấn cũng cho biết: Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, có điện lưới quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện xã có khoảng 4.700 người dân sinh sống. Theo kế hoạch phát triển, xã sẽ sắp xếp lại dân cư, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, đẩy mạnh các cơ sở, dịch vụ hậu cần nghề cá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bên cạnh các ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và làm muối. Nhu cầu về điện sẽ tăng lên nhưng cùng với đó là sự phát triển và thịnh vượng hơn trong đời sống của người dân.

Sản lượng điện của xã Thạnh An năm 2014 khoảng 1,3 triệu kWh. Giá thành nguồn điện từ máy phát bằng dầu đi-ê-den cao gấp ba lần mức bình quân nhưng những năm qua, thực hiện chủ trương bình ổn giá điện sinh hoạt đồng thời hỗ trợ đời sống cho người dân trên đảo, Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh vẫn bán điện cho người dân theo mức giá quy định như trên đất liền. Mỗi năm, tổng công ty phải bù lỗ hơn 10 tỷ đồng.

Theo Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến xã Thạnh An không thể phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hậu cần nghề cá là do hạn chế về công suất nguồn điện. Do vậy, tổng công ty quyết định đầu tư xây mới tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển đưa nguồn điện lưới quốc gia ra xã đảo.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Quốc Bảo, với công trình này, xã đảo Thạnh An sẽ được cấp điện ổn định với công suất lớn từ lưới điện quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Thạnh An theo quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch đến năm 2020. Ðồng thời, hạn chế tổn thất lưới điện và giảm thấp nhất chi phí bù lỗ trong vận hành cung ứng điện trên địa bàn xã Thạnh An như thời gian vừa qua.

 

 


  • 27/04/2015 11:29
  • Nguồn bài: www.evn.com.vn
  • 1149


Gửi nhận xét