Muốn làm việc tốt, hãy biết cân bằng cuộc sống!

Hồi còn độc thân, tuổi trẻ mà, cuộc sống là tận hưởng nhưng để tránh phải “sống khổ” về sau, tôi vẫn xem “kiếm tiền” là trên hết. Vì vậy, tôi sẵn sàng chào tạm biệt một vài cuộc vui cùng bè bạn, thậm chí là gia đình chỉ để ở cơ quan và làm việc từ 8 giờ sáng tới tận tối mịt. Giờ đây, khi đã lập gia đình và gánh trên vai hàng loạt trách nhiệm, tôi nhận ra công việc không còn là tất cả.

Công việc và cuộc sống riêng, có lẽ mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về vai trò của chúng. Còn tôi, tôi cho rằng cả hai đều có tầm quan trọng rất lớn, do đó cân bằng hai yếu tố này là cách duy nhất khiến tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Với suy nghĩ đó, đã hai năm nay, tôi không còn “lê la” ở văn phòng đến tận 9 giờ tối mà luôn về nhà đúng giờ tan tầm với tâm trạng thoải mái nhất vì đã hoàn thành mọi công việc. Dưới đây là 4 bí kíp mà tôi đã áp dụng để cân bằng giữa cuộc sống và công việc:

Luôn lên sẵn kế hoạch làm việc mỗi ngày

Tôi luôn bắt đầu ngày làm việc của mình bằng việc bỏ ra 15 phút để liệt kê những công việc cần làm trong ngày để bản thân cố gắng hoàn thành đầy đủ trách nhiệm được giao. Chính vì không còn thời gian “làm thêm” như hồi còn độc thân mà số lượng công việc vẫn chồng chất nên tôi luôn tránh vấn đề “quá tải công việc” bằng cách rút ngắn những khoảng thời gian không cần thiết như ăn sáng quá lâu, uống cà phê tán gẫu cùng đồng nghiệp, nghỉ trưa ít hơn…

Làm bạn với đồng hồ báo thức

Cách tốt nhất để đảm bảo hoàn thành đầy đủ mọi công việc chính là tự mình đặt ra chỉ tiêu công việc, số lượng thời gian hợp lý, sau đó cố gắng tập trung hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mỗi công việc đòi hỏi thời gian khác nhau nên thật khó để tự vạch riêng cho mình một quỹ thời gian nhất định. Ngoài ra, nếu chúng ta chỉ cố làm việc cho đúng giờ mà không quan tâm đến chất lượng công việc thì mọi sự cố gắng cũng như “nước đổ lá khoai”. Do đó, tôi luôn cân nhắc về tính chất công việc để có thể quyết định bản thân cần dành bao nhiêu thời gian làm việc sao cho hiệu quả.

Đừng “ôm đồm”, hãy trì hoãn nếu có thể

Đứng trước một núi công việc, tôi luôn bình tĩnh xem xét và cân nhắc xem mức độ quan trọng của từng công việc, sau đó dành sự ưu tiên hơn về thời gian, công sức cho những “việc lớn”, tiếp đến là những việc nhỏ nhặt. Nếu là tôi của thời điểm chưa lập gia đình, tôi sẽ không ngại bỏ ra 2-3 tiếng làm trước công việc của ngày hôm sau, thậm chí giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành công việc. Tuy nhiên giờ đây, khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, từng giờ, từng phút đối với tôi đều quý giá, do đó, tôi từ bỏ thói quen “ôm việc” để về nhà đúng giờ, dành nhiều thời gian cho gia đình, bản thân hơn. Tôi không khuyến khích bất cứ ai “Hãy trì hoãn công việc đi!” nhưng bản thân chúng ta cần biết việc nào là cần kíp, việc nào có thể trì hoãn. Nhưng dù sao đi nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo đúng “deadline”!

Đừng ngại ngùng nếu là người đầu tiên rời khỏi văn phòng

Tôi đã từng cảm thấy khá e ngại khi mình là người rời khỏi văn phòng sớm nhất dù đúng giờ tan làm, do đó, dù đã hoàn thành xong mọi việc thì tôi vẫn ngồi “đợi” nhiều người về rồi mới về theo. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đây hoàn toàn là sự thật! Để loại bỏ sự ngại ngùng đó, thay vì nghĩ rằng “Tan làm rồi, về thôi!”, tôi nghĩ đến những lí do khiến mình cố gắng tập trung làm việc để rời khỏi công ty sớm như:

- “Vợ và con à, ba làm xong việc rồi, chuẩn bị đi ăn tối thôi!”

- “Mình xong việc rồi, ngồi 8 tiếng oải ghê, đi tập gym cho khỏe mạnh cái nào!”

- “Làm xong rồi, về sửa soạn tối đi coi đá banh với ông bạn chí cốt cái đã!”

Có thể nói, công việc rất quan trọng, nhưng làm việc quá nhiều không phải lúc nào cũng tốt. Vì vậy, hãy thử áp dụng 4 bí kíp trên để rời khỏi văn phòng đúng giờ trong một tuần và chờ đợi xem cuộc sống của mình sẽ thay đổi tích cực ra sao bạn nhé!


  • 14/08/2017 03:26
  • Nguồn: www.vietnamworks.com
  • 2394