Người làm điện ở Côn Đảo

Từ một "địa ngục trần gian" bị che vùi dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Côn Đảo nhanh chóng trở thành một trong những hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh. Để có được sự chuyển mình mạnh mẽ ấy, có sự đóng góp đến từ những bàn tay, khối óc người thợ điện.

Là một huyện đảo với tổng diện tích 76 km² và dân số khoảng 7.600 người, Điện lực Côn đảo, trước đây là Trạm cung cấp điện nước, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện Côn Đảo. Đến ngày 01/01/2014, tách phần điện về trực thuộc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu (PC BRVT), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).

Điện lực Côn Đảo hiện có 53 CBCNV quản lý 02 Nhà máy điện tổng công suất thiết kế 7.190 kW (trong đó khả dụng 4.680 kW); 03 trạm nâng thế với dung lượng 9.350 kVA; 50,26 km đường dây trung thế; 78 trạm biến áp/ 7.840 kVA; 12,6 km đường dây hạ thế và 1.935 khách hàng dùng điện.

Ngay khi tiếp nhận, EVNSPC đã đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, đầu tư mới các máy phát điện, giúp người dân có nguồn điện năng sử dụng ổn định với chất lượng, giá thành giảm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân huyện đảo. Mở rộng thêm 02 máy phát điện với công suất 2x1500 kW, nhiều tuyến đường dây được xây dựng cải tạo và thay thể các công tơ cơ chuyển sang công tơ điện tử (PCL), tổng chi phí gần 15 tỷ đồng.

Tính đến nay toàn huyện với 100% các hộ gia đình đều có điện; trong đó 48% là khách hàng sinh hoạt, 31% là kinh doanh dịch vụ, du lịch, còn lại là các ngành nghề khác.

Điện lực Côn đảo tiếp và làm việc với Đoàn Công ty Điện lực Trà Vinh

Là đơn vị thực hiện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối điện, đến nơi đây chứng kiến nỗi gian nan của người thợ điện Côn Đảo. Anh Dương Anh Kiệt, Phụ trách phân xưởng diesel cho biết, hầu hết các máy phát điện diesel đều rất cũ kỹ, có những máy sản xuất trước năm 1975 và các máy phát điện với các chủng loại khác nhau và đặc thù vùng biển, ảnh hưởng của nước biển, nên các thiết bị máy móc, thường xuyên bị ô xy hóa, nên dễ hư hỏng và điều kiện xa đất liền khi xảy ra hư hỏng các phụ tùng thay thế rất khan hiếm.

Với tuổi đời thiết bị như vậy nên ngoài vận hành máy phát, các anh em công nhân luôn đề cao ý thức trách nhiệm bảo quản tốt máy phát, thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ đúng quy định, nhằm đảm bảo nguồn điện cung cấp được an toàn liên tục.

Nở nụ cười thân mật, anh Danh Kim Quang, Phụ trách Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp cho biết: Công tác quản lý vận hành vất vả nhất vào khoảng thời gian 3 tháng (từ tháng 11, 12 và tháng 01 của năm liền kề), thời tiết chuyển sang mùa gió chướng, nước biển bám vào đường dây trung thế theo gió, trung bình khoảng từ 02 đến 03 ngày là các anh em công nhân phải thay nhau rửa sử tại các tuyến đường dây dọc khu vực vùng biển, để hạn chê sự cố.

Mỗi lần xảy ra sự cố anh em công nhân phải luồn lách dọc theo tuyến đường dây xuyên qua các vùng đồi núi cao, vùng ven biển, nơi rừng rậm hoang sơ… nhưng bằng mọi cách phải tái lập điện kịp thời cho người dân huyện đảo. Những khi thời tiết bất thường như bão, gió lốc anh em công nhân phải đeo bám, ứng trực trên từng gốc trụ điện, khắc phục sự cố và tái lập điện sớm nhất trong ngày, khi qua cơn giông bão.

Anh Dương Anh Kiệt, Phụ trách phân xưởng Diesel bên chiếc máy diezen thân thiết

Nói về công tác sản xuất kinh doanh của Điện lực, ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến con người, nhưng gần 02 năm kể từ khi được ngành Điện tiếp nhận đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước đi vào nề nếp theo quy trình, quy phạm của ngành Điện.

Điện lực từng bước thực hiện tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng, năm 2014 là 7,78%, giảm trên 1,2% so với trước đấy (tỉ lệ các năm trước đây trên 9%). Công tác dịch vụ khách hàng từng bước được nâng cao, việc lắp đặt điện kế cho khách hàng và cung cấp điện năng thực hiện theo Luật Điện lực. Về giá bán điện thực hiện theo giá thống nhất của ngành Điện trên cả nước (trước đây khi chưa tiếp nhận giá bán điện mỗi kWh điện năng trên 9.000 đồng), đó là điều mừng của người dân trên đảo.

Tuy ngành Điện phải gánh các khoản lỗ ước tính 02 năm (2014-2015) khoảng 126 tỷ đồng (năm 2014 lỗ 54 tỷ đồng, năm 2015 ước khoảng 72 tỷ đồng), nhưng bù lại người dân trên đảo lại được hưởng giá điện như ở đất liền. Do đó nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, ước tính năm 2015 tăng khoảng 8% so với năm 2014, trên cơ sở đó EVNSPC đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn và lưới điện tại Côn Đảo, theo kế hoạch năm 2015 đầu tư mua mới 02 máy phát có công suất 2x1.500 MVA lắp đặt tại Nhà máy Điện An Hội và triển khai dự án xây dựng Văn phòng làm việc cho Điện lực Côn đảo. Hy vọng rằng sau khi các công trình, dự án này hoàn thành đây là điều kiện góp phần việc phát triển kinh tế của huyện đảo trong thời gian tới.

Chia tay huyện đảo thân yêu, chia tay những người thợ điện "nơi đầu sóng, ngọn gió", tôi tin họ luôn kiên trung, vững vàng vượt lên trên thử thách, để Côn Đảo nhanh chóng chuyển mình thành một trong những hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh, hút hồn du khách mỗi khi đặt chân đến nơi này.


  • 27/09/2015 08:25
  • Bài và ảnh: Đặng Huy Hoàng (Công ty Điện lực Trà Vinh)
  • 915


Gửi nhận xét