Nguyễn Đức Khương: Là thu ngân phải "yêu nghề và tận tâm"

Chúng tôi có dịp đồng hành cùng anh Nguyễn Đức Khương - Thu ngân viên xuất sắc của Điện lực Lăk (Công ty Điện lực Đăk Lăk) trong một ngày mưa Tây Nguyên để hiểu thêm công việc của những người "làm dâu trăm họ".

Anh Nguyễn Đức Khương giao hoá đơn tiền điện cho khách hàng tại Buôn Tría

Dù là người đề xuất xin đi cùng anh, nhưng tôi vẫn chưa hết băn khoăn. Tại sao phải đi làm vào lúc trời đang mưa gió, trong khi công việc này không đòi hỏi giờ giấc cố định như một công việc hành chính thông thường.

Mang thắc mắc này ra hỏi, anh Khương cho biết, chính vào những ngày thế này lại là thời điểm lý tưởng cho công tác thu tiền điện. Trời mưa nên khách hàng ở nhà nhiều hơn, có thể gặp trực tiếp mà không phải đi lại nhiều lần. Thường vào ngày nắng ráo, hầu hết mọi người ra đồng, lên rẫy…, muốn thu tiền phải tranh thủ buổi tối hoặc giờ nghỉ trưa.

Hôm nay, chúng tôi cùng anh Khương đến Buôn Tría. Trời mưa gió làm quãng đường đến nhà của khách hàng thuộc xã này thật sự rất vất vả. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, trơn như đổ mỡ. Để vào nhà các khách hàng gần phía cánh đồng, cách đường trục chính hơn một cây số, chúng tôi buộc phải gửi xe máy lại nhà dân bên đường, mặc nguyên áo mưa và đội mũ bảo hiểm tránh gió rồi… cuốc bộ. Lúc này, tôi có dịp trò chuyện nhiều hơn cùng anh và hiểu thêm về chuyện buồn vui của “nghề” thu tiền điện mà anh Khương đang gắn bó.

Nguyễn Đức Khương đảm nhận công việc thu ngân từ năm 2005. Hằng tháng, anh thu tiền điện và quyết toán hoá đơn của gần 1.000 khách hàng với doanh thu trên 200 triệu đồng, tại các xã Buôn Tría và Đăk Liên. Người dân thuộc 2 xã này có đến 2/3 là người dân tộc thiểu số, nên thời gian đầu, công việc của anh không được thuận lợi. Khách hàng còn mang tư tưởng “muốn Nhà nước cho luôn cái điện để dùng”. Vì vậy, dù đã được giải thích nhiều lần, nhưng nhiều khách hàng không muốn thanh toán tiền điện mà mình sử dụng. Cá biệt, còn có trường hợp cả xóm rủ nhau cùng gây khó dễ, không chịu nộp tiền điện. Thậm chí có hộ còn đến tận nhà anh gây sự vì không thích nhận giấy báo. Cực chẳng đã, anh phải nhờ chính quyền địa phương và điện lực cùng phối hợp can thiệp. Khoảng thời gian này, công việc vất vả không nói hết.

Anh bắt đầu bằng việc tìm hiểu, làm quen với các gia đình mình trực tiếp thu tiền. Vì là người dân nông thôn, dân tộc thiểu số nên việc làm quen không quá khó, nhưng để hiểu tính nết từng khách hàng lại không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Anh Khương kiên nhẫn bỏ công sức nhiều hơn để tìm hiểu, từ việc thuộc tên, nhớ nhà mới đến hiểu tính nết từng khách hàng. Ban đầu, anh tìm đến những hộ dễ thu trước, vận động từng hộ một tự nguyện đóng tiền, giải thích rõ ràng, cặn kẽ các thắc mắc. Đối với các khách hàng khó tính, anh kiên nhẫn chờ đợi, thuyết phục. Có nhiều trường hợp, anh đợi cả ngày để trực tiếp đưa giấy báo vì khách hàng cố ý tránh mặt. Với những nỗ lực hết mình của anh, công việc dần thuận lợi hơn, tổng kết từng tháng không còn dư nợ tiền điện nữa.

Đến nay, những khó khăn ngày đầu đã cơ bản được khắc phục. Khách hàng dần quen thuộc với bóng dáng của người thu tiền điện dễ mến này. Anh Khương kể, có người đi chợ ngang qua cũng ghé nộp tiền, bán con gà, con lợn nhớ đến tiền điện lại gọi anh vào thu tiền giúp.

Công việc này như chăm con mọn, không đi đâu xa được vì nếu anh không thường xuyên ở nhà thì không thể hoàn thành công việc một cách trọn vẹn. Tuy vậy, gắn bó lâu năm, nghề này cũng mang đến cho anh Khương không ít niềm vui. Cái vui lớn nhất phải kể đến là anh được nhiều người biết đến và quý mến. Như để minh chứng cho lời anh nói, vừa đi qua đoạn đường tắt để tránh trơn trượt, nhiều người dân đi ngược chiều nhận ra anh Khương trong bộ áo mưa rộng thùng thình vui vẻ cất lời chào và hỏi thăm rất chân tình.

Người ta gọi anh Khương với danh xưng đơn giản nhưng đầy tôn trọng “cán bộ Khương”. Trong lúc nhận giấy báo tiền điện tháng này, cũng có hộ chưa có tiền nộp nên xin nợ lại ít hôm. Anh Khương vui vẻ đồng ý ngay vì người dân ở đây nghèo, chuyện khất tiền điện vẫn xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hầu hết mọi người đã ý thức được trách nhiệm của bản thân nên không còn trường hợp bị cắt điện do không chịu đóng tiền.

Trời mưa nặng hạt hơn và cũng đã đến giờ nghỉ trưa, chúng tôi kết thúc hành trình ngắn ngủi dù còn nhiều điều chưa nói hết. Anh Nguyễn Đức Khương tâm sự lúc chia tay: “Công việc nào cũng cần sự yêu nghề, tận tâm. Mình có hết lòng thì nó mới không phụ mình. Qua 8 năm gắn bó với nghề, buồn có, vui có, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ công việc này. Nghề thu ngân đã giúp tôi rèn luyện đức tính kiên nhẫn và trách nhiệm, từ đó, đạt được nhiều thành công khác trong công việc và cuộc sống”.


  • 25/09/2013 03:24
  • Hương Cẩm
  • 1575


Gửi nhận xét