Nhật ký trong ngày sự cố

Đến hẹn đóng điện trả lưới mà lần thứ 3 đóng máy cắt vẫn "tạch - rầm". Đồng nghiệp ngoài tuyến vẫn chạy phơi nắng cả trưa theo tuyến đường dây điện dài để tìm sự cố. Đường dây sữa chữa lúc sáng vẫn tốt, vậy sự cố ở đâu?

Từ tờ mờ sáng, công việc sửa chữa của những người thợ điện đã bắt đầu và có thể kéo dài đến nửa đêm.

Reng..reng... tiếng chuông điện thoại từ số của Điều độ: “Khôi phục đường dây 377, sau khi sửa chữa xong ngoài lưới”. Sáng nay khi giao ca, ca trực trước cũng đã bàn giao sơ đồ kết dây hiện tại với MC 377 (máy cắt 377) đang cắt. Trực ca nhanh chóng viết phiếu, đọc tại trình tự các bước cho người ra lệnh (tên gọi cụ thể của Điều độ viên) nghe. Sau khi được sự đồng ý của điều độ, mình mới cầm phiếu đi thao tác.

Quen thuộc với công việc hàng ngày, hai trực ca bảo nhau thao tác an toàn nhanh gọn trả lưới đúng giờ. Nhưng đến bước thao tác thứ 4: “ Đóng MC 377, kiểm tra đóng tốt 3 pha”. Bỗng "tạch - rầm”...MC nhảy liền tay (vừa đóng đã nhảy ngay). Tự nhiên chột dạ, đường dây 377 cắt làm an toàn để anh em sửa chữa giờ mới xong. 

MC vừa đóng đã nhảy liền thế này liệu đường dây vẫn còn khuyết điểm? Hay nguy hiểm hơn còn có người trên dây dẫn? Nhấc điện thoại báo cáo tình hình với người ra lệnh. Điều độ bắt đọc kiểm tra lại động tác xem thực hiện có đúng không. Tự nhiên cảm giác bất an, vụ tai nạn trước còn ám ảnh: Cũng sữa chữa trên lưới như thế này, đã trả lưới rồi mà vẫn có người trèo lên kiểm tra lại. MC cũng nhảy liền tay và  tai nạn đã xẩy ra...

30 phút sau, điều độ tiếp tục ra lệnh thao tác: ” Đóng MC 377”. Lại tạch - rầm. Báo điều độ: MC nhảy liền tay. Chỉ nghe thấy tiếng nói vọng trong điện thoại "Vô lý nhỉ! em kiểm tra lại sơ bộ MC xem”. Một lúc lâu sau, lệnh thao tác tiếp. Trực ca nhắc lại với điều độ, lần này là lần thứ 3 rồi, theo quy trình MC 35 kV không được phép đóng lại 3 lần trong 8 tiếng. Tiếng của người ra lệnh: “Anh đã cô lập đường dây sự cố rồi, em cứ đóng đi”. Tạch – rầm. MC lại nhảy.

Đường dây 377 dài, cấp điện lên vùng núi với cung đường ghồ ghề. Sáng nay, từ tờ mờ sáng, một đội đã ra quân ngược núi trèo lên cột để sửa chữa. Theo kế hoạch 11h trưa trả lưới. Thế nhưng lần thứ 3 trả lưới cũng không thành công, điều độ vẫn chưa tìm ra sự cố. Nghi án đổ sang thiết bị?

Chuông điện thoại lại reo: “Em cắt dao cách ly (DCL) ra, đóng thử nghiệm MC xem MC có đóng cắt tốt không?”. Có lẽ áp lực trả lưới đúng giờ, kịp thời cấp điện cho dân trở nên cấp thiết. Mọi phân cấp từ trạm truyền tải, đến phân phối cùng chung một mục đích duy nhất khôi phục điện sớm cho khách hàng.Trực ca nhận lệnh chạy đi thao tác -  MC đóng thử tốt báo điều độ rõ. Khẳng định lần nữa chứng tỏ sự cố ngoài lưới.

13h chiều, mặt trời vẫn chói chang, nắng như đổ lửa. Đồng nghiệp ngoài tuyến vẫn chạy phơi nắng cả trưa theo tuyến đường dây điện dài để tìm sự cố. Đường dây sữa chữa lúc sáng vẫn tốt, vậy sự cố ở đâu? Chỉ thương anh em làm từ khi sáng sớm; mới leo xuống cột xong, cơm vẫn chưa kịp ăn lại chạy đi tìm sự cố.

Gần 16h, sau khi  kiểm tra gần hết các tuyến mới tìm ra nguyên nhân. Thì ra, khi các chú thợ điện vừa đến kiểm tra xong, một anh nông dân chặt cây lại vô tình đổ nhằm dây dẫn, vì sợ liên lụy nên anh không báo mà... bỏ chạy. Làm khổ anh em điện lực phải dò từng điểm một. Có lẽ vì thế sự cố đã tìm ra mà vẫn có gì đó thật buồn. Thế mới rõ, đâu chỉ là do khách quan mưa bão. Chỉ một chút thiếu hiểu biết của người dân cũng gây nên sự cố. Vừa đáng thương vừa đáng giận, bữa cơm trưa của các chú thợ điện ấy cũng phải bắt đầu lúc 4 giờ chiều.

Chủ nhật 28-6. Mâm cơm ngày cuối tuần chào đón Ngày gia đình Việt Nam đã được chuẩn bị tinh tươm. Trên môi người vợ trẻ, nụ cười vừa rạng lên, vậy mà khi nghe điện thoại, nụ cười đã tan biến. "Lại sự cố rồi". Lấy chồng làm thợ điện bao năm sao người vợ sợ hai từ ấy đến thế. Chỉ nghe tiếng loáng thoáng trong điện thoại: Sự cố! Anh cũng có muốn đâu....


  • 02/07/2015 10:33
  • Bài và ảnh: Hoàng Hồng Nhung
  • 1084


Gửi nhận xét