Những người khổng lồ trong giới kinh doanh

Những người khổng lồ trong giới kinh doanh - cuốn sách khắc họa chân dung 7 nhà tư bản Mỹ đã xây dựng thế giới mới bằng cách phá vỡ những nguyên tắc cũ và tạo ra những nguyên tắc mới, quyết tâm lãnh đạo thay vì chịu bị lãnh đạo, khám phá những công cụ và công nghệ mới trong lúc thời đại của họ còn mơ hồ về chúng.

Bảy chương sách là bảy câu chuyện kể về những người thấy những điều mà người khác không thấy và thực hiện tốt nhất bằng khả năng phân tích sâu sắc. Họ đã sử dụng những công cụ mà người khác cũng có, nhưng với kỹ năng tốt hơn nhiều. Vì mục đích gì? Để chiến thắng. Để sở hữu. Để kiểm soát. Để sáng tạo.

Đây là câu chuyện về bảy nhà tư bản biết nắm lấy những cơ hội dù những người khác chỉ thấy đó là những điều gượng ép mà thôi. Họ đều là những người dám chấp nhận rủi ro, những nhà đổi mới, những người đam mê thử nghiệm. Họ khao khát thành công hơn cả nỗi lo sợ bị thất bại. Họ dũng cảm thay đổi không chỉ khi mọi chuyện trở nên tồi tệ mà còn cả lúc mọi thứ diễn ra tốt đẹp.

Đây cũng là những người cực kỳ tự tin, bắt nguồn từ cảm giác an toàn bẩm sinh hoặc từ việc không tin vào sự phán xét của người khác. Dù vì bất cứ lý do nào, họ đã tin tưởng vào chính bản thân mình. Họ cảm thấy tài năng của mình không có bất kỳ giới hạn nào – niềm tin ấy đôi khi khiến họ phát cuồng lên vào lúc cuối đời.

Tất cả những điều đó nói lên rằng, khi chúng ta thay đổi góc nhìn, đặt mình trọn vẹn vào vai trò của những con người ấy trong kinh doanh và trong thế giới như chính cá nhân con người họ, chúng ta khám phá ra những khác biệt đáng kể.

Họ là những con người rất khác biệt với những hoàn cảnh khác nhau, những điểm mạnh và điểm yếu cũng khác nhau. Nhưng 7 con người này có một điểm chung: Họ là những "người khổng lồ" trong giới kinh doanh của thời đại mình, và họ là người Mỹ.

Richard S. Tedlow - tác giả của cuốn sách, giáo sư giảng dạy bộ môn Lịch sử kinh doanh của Trường Kinh doanh Harvard nhận định, mỗi người trong số họ, theo cách riêng của mình, là một cá nhân xuất chúng, sống trong một quốc gia cho phép họ bộc lộ đầy đủ tài năng.

Cuốn sách sẽ giúp độc giả khám phá ra những thay đổi cơ bản về nhu cầu lãnh đạo doanh nghiệp kể từ thời kỳ Nội chiến Mỹ cho tới năm 1990.

Dù vậy, tác phẩm này không chỉ toàn một màu hồng, hay rặt một thứ âm thanh ngợi ca tán tụng về những vĩ nhân, mà còn lạnh lùng nói về cái giá của thành công cá nhân.

Có thể 7 "người khổng lồ" này nhìn thấy những điều mà người khác không thấy, nắm lấy cơ hội và theo đuổi mục tiêu đến cùng, nhưng để hiện thực hóa tầm nhìn, dù vô tình hay hữu ý, họ đặt mình vào thế buộc phải gạt bỏ hy sinh những điều mà họ trân quý: Tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bằng hữu, thậm chí quên cả bản thân… Ai đó có thể gọi đây là sự nhẫn tâm.

Trong cuốn sách này, Richard S. Tedlow không ít lần đặt ra câu hỏi về bản chất của hoạt động kinh doanh: Có phải tất cả chỉ vì lợi nhuận không? Có thể có sự hài hòa giữa việc mưu cầu lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích chung của cộng đồng không? Trên bình diện rộng hơn, ông cũng không ngần ngại chỉ ra cái giá của một môi trường khích lệ kinh doanh: “Kết quả là [tạo ra] một xã hội trong đó mục tiêu dường như là mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người trở nên bất bình đẳng”.

Không có ai trong số bảy nhân vật chính trong cuốn sách này có thể gọi là “điển hình”. Không có nhà quản trị kinh doanh điển hình, và nếu như ai đó trong số họ được nhìn nhận như vậy, thì những đặc tính đó sẽ khiến họ thậm chí còn không điển hình hơn. Khi người ta nghiên cứu trên diện rộng các CEO của giới doanh nghiệp Mỹ, điều ấn tượng nhất là sự đa dạng của họ với những giới hạn cụ thể.

Tiểu sử của các nhân vật trong cuốn sách được chia làm ba phần. Phần thứ nhất – Andrew Carnegie, George Eastman và Henry Ford - minh họa cho quá trình chuyển biến của Mỹ từ một nước đang phát triển trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới. Phần thứ hai – Thomas J. Watson Sr. và Charles Revson – minh họa cho phong cách lãnh đạo của nhà buôn công nghiệp (IBM) và nhà buôn hàng tiêu dùng (Revlon) vào những thập niên giữa thế kỷ XX. Phần thứ ba – Sam Walton và Robert Noyce – mang lại hình ảnh tương phản tương tự giữa doanh nghiệp hàng tiêu dùng (Wal-Mart) và doanh nghiệp công nghiệp (Intel) vào cuối thế kỷ XX. 

Cuộc đời của bảy con người này giống như một chiếc thấu kính, qua đó lịch sử kinh doanh của nước Mỹ sẽ hiển hiện dưới mắt chúng ta.


  • 27/04/2016 04:24
  • Nguồn bài: Doanh nhân Sài Gòn
  • 1700