Chiếc vỏ lãi (một loại xuồng) chở đoàn khảo sát điện chậm chạp đi trên những dòng kênh, khi len lỏi trong những ruộng vườn, xóm ấp, lúc mở ra trên những cánh đồng rộng bao la. Những bụi lục bình dày đặc, quây bám, đôi khi níu chân vịt khiến chiếc vỏ lãi bất lực. Rồi nhiều khi không có đường đi, muốn đến từng hộ dân, cả đoàn phải lội bộ giữa trời trưa nắng trên những con đường đất nhấp nhô, xáng cạp vừa múc lên còn chưa ráo nước.
Áo đẫm mồ hôi và thấm mệt sau chặng đường vất vả, nhưng nhìn ánh mắt hồ hởi, mong chờ dòng điện của bà con làm những người khảo sát như được tiếp thêm sức, đưa nhanh dòng điện đến những người dân vùng sâu.
Ông Trần Tấn Lý Quang, một người dân sinh sống trên kênh xã Của thuộc ấp 5, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết, ở tuyến kênh này có gần 30 hộ dân nhưng đều phải sử dụng điện câu đuôi, không an toàn và phải trả tiền điện giá cao..., mần ruộng, vườn tưới tiêu hàng ngày, có điện sẽ bớt nhiều công sức vất vả cho bà con.
Những người thợ điện miền Tây không ngại khó khăn đem điện đến vùng sâu.
|
Giờ khảo sát để cấp điện lưới quốc gia thì tui và bà con mừng lắm, mong công trình được thi công sớm để vùng sâu này được sử dụng giá điện quốc gia, phát triển nông nghiệp và mua sắm các đồ dùng điện, cải thiện cuộc sống - ông nói thêm.
Theo Điện lực Phụng Hiệp, hiện nay trên địa bàn của huyện còn khoảng gần 1.000 hộ dân chưa mua điện trực tiếp, sống rải rác bên những con kênh, vùng lõm đòi hỏi chi phí suất đầu tư rất lớn, trong khi nguồn vốn huy động để đầu tư, phát triển lưới điện còn khó khăn.
Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia được triển khai thực hiện đã đáp ứng kịp thời niềm mong mỏi của người dân vùng sâu Hậu Giang. Đến nay đã có gần 2.500 hộ dân của hàng chục ấp tại các huyện Long Mỹ, Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy được sự dụng điện lưới quốc gia. Nguồn vốn đầu tư cho dự án hoàn toàn của ngành Điện và địa phương, người dân không phải tốn chí phí
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Thọ, Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 3.000 hộ dân chưa tiếp cận được nguồn điện lưới quốc gia. Chủ yếu là ở các xã vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt lại nằm sâu trong kênh, rạch; các khu vực chưa có đường đi. Nên từ công tác khảo sát, thiết kế đến thi công rất vất vả, khó khăn. Hơn nữa suất đầu tư bình quân trên mỗi hộ dân rất cao, không thể tính bằng “bài toán” kinh tế.
Ở mỗi nơi chúng tôi đi qua đều nhận được tấm lòng của bà con và chính quyền địa phương, hết mình hỗ trợ trong công việc, góp phần mau chóng đem dòng điện về. Thấu hiểu được niềm mong mỏi của những người dân của miền Tây sông nước đặt lên vai ngành Điện, chúng tôi thấy được trách nhiệm công việc mình đang làm, không quản ngại địa hình thời tiết khó khăn để góp phần vào sự phát triển điện lưới của quốc gia, đưa điện đến vùng sâu, vùng xa góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.