Những nguyên tắc cần thiết khi giao tiếp với đối tác châu Âu

Nếu là lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, hay một nhân viên thường phải giao tiếp với các đối tác đến từ châu Âu, những nguyên tắc dưới đây sẽ hết sức bổ ích.

Giao dịch kinh doanh

Người Đức, người Anh và những người thuộc vùng Bắc Âu luôn đề cao sự đúng giờ, trong khi tiêu chuẩn về giờ giấc được nới lỏng ở những khu vực Nam Âu. Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, khách có khi phải chờ 20 phút rồi mới được tiếp đón.

Ảnh minh họa.

Chuẩn chào hỏi chung của châu Âu là bắt tay, với cả nam và nữ. Đa số người châu Âu bắt tay trước và sau mỗi lần gặp, trong khi ở Anh chỉ cần một lần bắt tay duy nhất khi được giới thiệu.

Ở châu Âu, nghi thức gọi tên dựa trên nguyên tắc: Sử dụng tước hiệu và tên họ, không gọi bằng tên riêng cho đến khi được yêu cầu rõ ràng. Tước hiệu cũng là một khía cạnh quan trọng trong việc xưng hô với đối tác châu Âu. Danh hiệu học vị cũng thường được sử dụng. Hãy lắng nghe khi bạn được giới thiệu và phải chú ý khi bạn nhận được danh thiếp của người khác.

Các cuộc hẹn làm việc nên được lên lịch trước ít nhất 2 tuần. Ở các nước Bắc Âu, các cuộc họp bắt đầu đúng giờ và đi ngay vào vấn đề theo sát chương trình nghị sự.

Tại Tây Ban Nha, Hy Lạp, các cuộc họp nhiều khả năng bắt đầu trễ, sự gián đoạn không phải là điều bất ngờ và không gấp gáp để đi đến kết quả cuối cùng. Ở những vùng này, kiên trì và lịch sự là chìa khóa thành công khi đàm phán.

Chiêu đãi

Tại Ý, ăn tối tại nhà hàng là một phần quan trọng trong giao dịch kinh doanh và không nên từ chối (và vì tính hào phóng được đánh giá cao, đừng ngạc nhiên nếu người tiếp bạn khăng khăng đòi thanh toán). Tương tự, hãy nhận bất kỳ lời mời nào ở Hy Lạp, bởi lòng hiếu khách là truyền thống ở đây, không hiếm trường hợp mời khách về nhà (sự tôn trọng hiếm thấy ở các nước châu Âu).

Ở Đông Âu, bữa tối thường kéo dài, nhiều đồ ăn và kèm theo đó là các loại đồ uống có cồn. Lưu ý, ở đa số các nước, chỉ nhấp một chút sau mỗi lần nâng cốc chứ không uống cạn ly.

Tại Đức, nói chuyện công việc trước và sau bữa ăn có thể chấp nhận được, nhưng không bao giờ nói chuyện công việc trong khi ăn. Người Pháp, người Bồ Đào Nha đòi hỏi phải tập trung vào ăn uống, bàn bất kỳ vấn đề gì liên quan đến công việc trong bữa tiệc đều không được chấp nhận. Trong khi đó, với các doanh nhân Hà Lan, bàn công việc trong bữa ăn lại không thành vấn đề.

Trang phục phù hợp

Trang phục công sở truyền thống chiếm ưu thế ở châu Âu. Phụ nữ đi công tác ở châu Âu nên ăn mặc hợp thời trang, nhưng kín đáo. Nên kết hợp vest với váy trong môi trường công việc và đeo trang sức lịch sự.

Kinh nghiệm đàm phán tại một số nước châu Âu

Tại Đức: Trước khi đàm phán, cần phải chuẩn bị thật đầy đủ, chi tiết, đưa ra nhiều phương án, xác định mục tiêu rõ ràng.

Người Đức rất cẩn trọng. Vì thế, bài thuyết trình của bạn phải thật chi tiết, tránh cường điệu, trình bày rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề chính. Nếu đối tác tin và hiểu bạn, họ sẽ hợp tác và cùng phát triển, thậm chí ngay cả lúc bạn gặp khó khăn.

Người Đức không thích mặc cả và thường nghiên cứu kỹ trước khi đàm phán. Vì vậy, hãy bắt đầu đàm phán ở một điểm tiệm cận mục tiêu dự định của bạn.

Tại Pháp: Để có những buổi đàm phán, thương lượng hiệu quả, bạn cần nghiên cứu tâm lý cũng như các chiến lược của họ khi tham gia các giao dịch thương mại. Họ có cách tiếp cận “rất Pháp”, với những đặc trưng dưới đây:

-        Ăn mặc trang trọng tới cuộc hẹn.

-        Sử dụng họ (thay vì tên) với màn giới thiệu lịch sự, ngồi theo thứ bậc (có tôn ti trật tự).

-        Lập luận một cách logic, phân tích sâu và luôn sẵn sàng “tấn công” thẳng vào những lập luận thiếu chặt chẽ của đối tác.

-        Nói nhiều và cuộc đàm phán thường diễn ra trong thời gian dài.

-        Không đưa ra yêu cầu, đòi hỏi từ đầu, nhưng sẽ dẫn dắt đến các yêu cầu đó bằng những lý do được chuẩn bị kĩ càng.

-        Cố gắng xác định yêu cầu và mục đích của đối tác ngay từ đầu buổi đàm phán.

-        Nghi ngờ nếu đối tác tỏ ra quá thân thiện ngay từ đầu, kể lể những chi tiết về cá nhân và gia đình.

-        Hiếm khi đưa ra các quyết định quan trọng ngay trong buổi gặp mặt.

-        Luôn kéo dài cuộc thảo luận, vì họ cho rằng, đó là một cách làm quen dần cũng như phát hiện ra điểm yếu của đối tác.

-        Luôn bắt đầu theo đúng những gì trong kế hoạch, nhưng sau đó bàn bạc chi tiết về các chủ đề thì không theo thứ tự.

Khi thương thảo với người Pháp, bạn nên cư xử trang trọng. Người Pháp đề cao sự logic và tính chính xác, thích những cuộc thảo luận kĩ.

Tại Anh:

Người có vị trí cao hơn trong cuộc gặp mặt sẽ là người nói chủ yếu trong cuộc gặp đó. Những cuộc thảo luận của người Anh thường rất sôi nổi. Họ sẵn sàng thể hiện sự không đồng tình nếu họ cho rằng một quan điểm nào đó bạn đưa ra là không chính xác. Người Anh vui vẻ, hài hước và nếu bạn cũng có được điều đó trong thời gian đàm phán thì được đánh giá rất cao.

Người Anh tin vào số liệu hơn tình cảm, do đó, việc chuẩn bị những số liệu chính xác, cụ thể sẽ góp phần rất lớn vào việc thuyết phục đối tác người Anh.


  • 23/04/2017 06:44
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8651