Niềm vui ngày có điện tại buôn Ea Boa

Nằm nép sâu trong cánh rừng dưới chân đèo Phượng Hoàng, không khó để lý giải tại sao nơi sinh sống của 46 hộ dân buôn Ea Boa, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk đến nay mới được đón nhận lưới điện Quốc gia. Và cũng hy vọng, những nỗ lực để điện về với buôn vùng sâu đặc biệt khó khăn này sẽ được đền đáp bằng sự thịnh vượng, đổi thay của vùng đất gần như tách biệt hẳn với sự phát triển ở bên ngoài.

Công nhân Điện lực Ea Kar đóng điện cho buôn Ea Boa ngay trước dịp lễ 30/4.

Chỉ nằm cách chân đèo Phượng Hoàng – ranh giới giữa tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa tầm hơn 7 km nhưng nơi đây thật khác xa những gì mà chúng tôi tưởng tượng. Con dốc gồ ghề, khúc khuỷu, nhiều đoạn dựng đứng được ví von với những cung đường của miền Tây Bắc về độ hiểm trở, khác chăng là ngắn hơn và được tặng kèm “đặc sản” của vùng đất Tây Nguyên là mịt mù bụi đỏ.

Để vào được tận phía trong buôn, đi hết 2 km đường cấp phối, chúng tôi phải đổi tài xế, chuyển sang một xe khác để phù hợp với địa hình và có thể di chuyển đến đích. Dù trước đó đã được cảnh báo “đường xấu lắm, xe phải nhỏ, gọn và phải là xe hai cầu” nhưng đoạn đường ngắn trước mắt cũng thật nhiều bất ngờ. Bác tài tranh thủ lúc vượt qua một khúc cua, nới lỏng tay lái và cười xòa. Anh nói, đó là hôm nay trời nắng ráo nên mới dễ đi thế này, mưa xuống là xe máy còn không vô được chứ đừng nói là ô tô.

Cũng bởi vậy mà Dự án cấp điện cho buôn Ea Boa đã khởi công từ giữa năm 2017 đành phải tạm gián đoạn khi mùa mưa đến do không thể vận chuyển được vật tư. Chỉ gần 3,4 km đường dây trung áp; 1,5 km đường dây hạ áp cùng 01 TBA có dung lượng 100 kVA nhưng thời gian kéo dài gần một năm ròng với rất nhiều vất vả và sự mong mỏi, chờ đợi. Để minh chứng thêm cho sự thiếu thốn, tách biệt của buôn nghèo, vừa đến con đường mòn nằm vắt ngang những quả đồi, điện thoại chúng tôi đều “đình công” do không có nổi một cột sóng, đành tạm cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Việc đi bộ cũng có đôi chút khác biệt khi chân ngập trong lớp bụi đỏ dày hơn 5 phân, chỉ cần chút gió là mặt mũi đều bám đầy đất đỏ.

Nhưng những vất vả trong chuyến hành trình dài trăm cây số, đặc biệt là đoạn đường ngắn vào tận buôn đều được đền đáp xứng đáng. Đón chúng tôi là những người dân hồn hậu vẫn chưa tin nổi sẽ có điện lưới để sử dụng sau 14 năm kể từ ngày đến vùng đất này lập nghiệp, ngay trong dịp lễ kỷ niệm 43 năm Ngày thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động.

Từ các cụm dân di cư từ vùng núi tỉnh Lạng Sơn, những hộ người dân tộc Mường đã bền bỉ bám trụ nơi này và niềm tin sẽ khấm khá hơn dường như được hiện thực hóa từ ngày vật tư xây dựng đường điện được đưa đến đây. Những người dân trong buôn ngoài trồng trọt hoa màu thì những cây keo lá tràm chính là “tài sản” lớn nhất của họ. Vậy nhưng để hỗ trợ đường điện về với buôn, bản, nhiều hộ sẵn sàng chặt bỏ các cây keo xanh tốt sắp thu hoạch nằm trong hành lang an toàn lưới điện, hỗ trợ hết mình để các đơn vị thi công, đấu nối thật thuận lợi.

“Lớp người già như bọn mình đã vất vả nhiều rồi nên chỉ mong con cháu được thoát nghèo. Mà hôm nay Nhà nước đóng điện thế này thì chắc ngày đó không xa nữa. Chắc Buôn phải giết thịt một con bò, làm liên hoan mừng điện mới thôi” – Ông Chú Dĩ Mìn với khuôn mặt khắc khổ, già hơn tuổi thực nhưng hôm nay nét mặt dường như giãn ra, rạng rỡ hơn bởi niềm vui sướng không giấu nổi trong từng lời nói và tiếng cười hào sảng.

Công nhân Điện lực hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện trong gia đình.

Song song với việc xây dựng lưới điện, Điện lực Ea Kar cũng nhanh chóng triển khai các nhóm công tác tại khu vực huyện M’Đrắk, thực hiện đấu nối công tơ, lắp bóng đèn trong nhà cho từng hộ dân một cách khẩn trương. Vậy là năm nay, buôn Ea Boa được đón ngày lễ 30/4 trong ánh sáng của điện lưới Quốc gia. Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 1) – đầu tư một số thôn buôn có nhu cầu cấp thiết về điện đã đến với người dân nơi đây thật đúng lúc, làm niềm vui vì thế mà nhân đôi.

Cùng với đó, để phục vụ cho việc ghi chỉ số, bán lẻ điện sau này, các công tơ điện tử cũng được đưa vào lắp đặt dù trước mắt không có sóng điện thoại để ghi chỉ số từ xa mà vẫn phải thực hiện thủ công. Vui là vậy, nhưng một trong những trăn trở của anh em ngành Điện là những khó khăn sắp tới trong công tác quản lý vận hành, thu tiền điện, nhất là vào những ngày mưa gió khi khu vực này vẫn “nổi tiếng” với mùa mưa kéo dài hơn các khu vực lân cận. Mặt khác, hạn chế trong phương tiện liên lạc, việc tiếp nhận thông tin để xử lý khi có sự cố chắc chắn cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Tuy vậy, ai cũng tạm gác lại những lo toan thường nhật để cùng hòa chung niềm vui ngày đóng điện của buôn Ea Boa.

Ông Y Toan Buôn Yá – Phó Chủ tịch xã Ea Trang cũng chia sẻ thêm: “Xã Ea Trang nói chung và buôn Ea Boa nói riêng là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Việc có điện là một bước ngoặt lớn của buôn, giúp xã Ea Trang từng bước hoàn thành tiêu chí 4 về nguồn điện trong xây dựng nông thôn mới”. 

Có điện, rồi đây cơ sở hạ tầng của Buôn sẽ được hoàn thiện và người dân sẽ theo kịp với nhịp sống của thế giới bên ngoài.


  • 07/05/2018 12:26
  • Hương Cẩm
  • 1589